5 hiểu lầm về vi khuẩn gây mụn – dễ khiến càng trị càng nặng?

Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY

@latrang.co

5 hiểu lầm về vi khuẩn gây mụn, khiến càng t.rị càng dễ nặng? #mun #trimun #latrang #learnontiktok #beautytok

♬ original sound – Là Trang – Là Trang

Trang làm nghề 10 năm, tiếp xúc với hàng ngàn case da bị mụn rồi và thực sự ngay cả đối với những bạn biết skincare, các bạn vẫn dễ dính vào 5 hiểu lầm về vi khuẩn gây mụn khiến cho việc càng điều trị càng dễ trở nên nặng hơn.

Thử đọc đến cuối bài viết hoặc xem hết clip bên trên để xem bạn có “dính” hiểu lầm nào không nhá.

Có phải bạn thường được nghe lý giải về vi khuẩn gây mụn như này: “Da bị bí tắc khiến cho vi khuẩn kỵ khí C.acnes phát triển mạnh mẽ, từ đây khiến bạch cầu đa nhân trung tính tới đánh nhau với vi khuẩn và gây viêm”?

Cách lý giải này không sai nhưng nó nông và dễ dẫn đến hiểu lầm nghiêm trọng nhất về vi khuẩn C.acnes. Đó là:

Hiểu lầm 1: C.acnes luôn xấu và chúng ta phải tiêu diệt hết nó

Để Trang nói cho bạn nghe sự thật. Không phải tất cả các loại C.acnes đều gây mụn và đều xấu. Có rất nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng số lượng C.acnes trên da người bị mụn và da người trưởng thành là tương đương nhau, chỉ khác về loại thôi.

Và hiện nay C.acnes được chia làm 3 loại chính: loại 1 gồm có IA1, IA2, IB, IC; loại II và loại III.

Để mà nói cụ thể thì loại I đúng là “top server” trong việc gây mụn, gây độc tế bào mà lại còn sống dai nữa. Trang nhớ năm 2017 có một nghiên cứu hay ho phết. Nó chỉ ra rằng chỉ có vi khuẩn C.acnes loại I mới sản sinh ra được một loại protein có tên là DsA1. Loại protein này sẽ có khả năng liên kết chặt chẽ với protein của tế bào chủ, từ đây nó giúp C.acnes bám dính chặt chẽ hơn sâu trong da. Trong khi đó thì loại II và loại III không sản sinh ra được loại protein này.

Bây giờ, để nói sâu hơn nữa vào loại I thì chúng ta nói đến chủng IA1.

Chủng này liên quan mật thiết đến mụn trứng cá, đặc biệt là mụn sưng viêm to và nó ít được thấy ở tình trạng da khỏe. Chủng IA2 thì cũng có liên quan đến mụn trứng cá nhưng mà đa phần là mụn nhỏ, không sưng nhiều. Loại IC cũng tương tự như vậy nhưng đang cần được nghiên cứu thêm bởi vì gen của nó khá là khác với 2 loại trước đó. Đặc biệt là loại IB, nó được nhìn thấy khá nhiều ở trên da của người khỏe mạnh và thậm chí trong một số case da mụn bọc, mụn viêm thì người ta thấy lượng IB này còn bị giảm đi nữa.

Ngược lại là loại II đang được nhiều nhà khoa học nghiên cứu đồng tình là có lợi cho da. Nó được gặp nhiều trên da của người khỏe mạnh này, còn trên da mụn thì nó kiềm viêm. Đặc biệt là sau hàng loạt nghiên cứu của McDowell cùng cộng sự, ông đã chỉ ra C.acnes loại II có khả năng kích thích sản sinh các yếu tố kiềm viêm từ trong tế bào miễn dịch ví dụ như là TGF-β hoặc là IL-10.

Còn riêng với loại III thì nó… lạ lắm. Tức là nó sẽ ở hai thái cực. Một là nằm ở trên da của người khỏe mạnh, còn hai sẽ là viêm nhưng mà không viêm làng nhàng mà là viêm sâu, chẳng hạn như là chứng viêm xương khớp liên quan tới mụn trứng cá.

Từ những hiểu biết này, các nhà khoa học hiện nay đang cố gắng đưa ra các phương pháp điều trị mụn mới để đánh trúng đích, tức là sẽ tập trung diệt đúng loại vi khuẩn, chủng vi khuẩn thực sự gây mụn chứ không đánh hết. Đấy, người ta còn đang tập trung như thế thì các bạn cứ lo diệt hết làm gì, đến lúc mà nó không “mọc” lại được như cũ thì có phải khổ không?

Để Trang nói bạn nghe sự thật tiếp theo, có khi nó còn sốc hơn. Đó là:

Hiểu lầm 2: Lúc nào C.acnes cũng xấu

Sự thật là không phải lúc nào C.acnes cũng xấu, ngay cả với loại gây mụn. Ở điều kiện bình thường, có thể nói C.acnes là lợi khuẩn đấy. Loại IA1 thì vẫn mang lại lợi ích cho da, cụ thể nhá C.acnes thì nó ăn bã nhờn, sau đó nó sẽ sử dụng enzyme lipase ở trong cơ thể để phân hủy bã nhờn ra thành các loại acid béo tự do. Một lượng acid béo tự do vừa phải vừa giúp da của mình có tính kháng khuẩn, vừa duy trì độ pH acid nhẹ từ 4.5 – 5.5 trên da. Mà mọi người biết rồi, đây là loại pH lý tưởng cho da.

Ngoài ra thì C.acnes nó còn tạo ra được kháng sinh tự nhiên cụ thể là cutimycin.

Đây là một loại kháng sinh nằm ở trong nhóm peptide. Nó kháng được lại các vi khuẩn gram dương khá là mạnh mẽ. Chưa hết đâu, C.acnes nó sẽ còn chiếm chỗ ở và chiếm thức ăn của những loại vi khuẩn khác có hại cho da và từ đây nó sẽ giúp cân bằng được hệ vi sinh của da.

Ví dụ S.aureus là một loại vi khuẩn gây tình trạng viêm nang lông, nhọt hay là Pseudomonas aeruginosa là một loại vi khuẩn nằm nhiều ở vết thương hở, có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng.

Vậy nên, việc chúng ta cần làm là đưa da về trạng thái cân bằng để rồi nó tự phát huy khả năng sẵn có của nó bằng cách là hãy duy trì phục hồi hàng rào bảo vệ da, giảm viêm song song với quá trình treatment, chứ đừng có đốt một đống tiền vào treatment nhưng mà lại kẹt xỉ với đồ giảm viêm và phục hồi.

Hiểu lầm 3: Vi khuẩn là do làm sạch kém

Nên nhiều bạn chấp niệm với việc da phải sạch bong kin kít lắm. Nào là double cleansing, triple cleansing, da phải không còn một chút dầu nào nữa các bạn mới vừa lòng. Thế mà vẫn bị mụn mới đau chứ. Cũng vì cách lý giải vi khuẩn tăng sinh là do bã nhờn dư thừa làm bí tắc. Nhưng rõ ràng khi các bạn làm sạch như vậy, cố gắng loại bỏ nhiều nhất số lượng bã nhờn có ở trên da thì một điều quan trọng là chất lượng bã nhờn của các bạn kém, nó mới chính là yếu tố gây bí tắc.

Trang đã nói nhiều lần rồi, khi mà chất lượng bã nhờn kém thì lượng Linoleic Acid ở trong da (có tính kháng khuẩn và làm loãng bã nhờn) sẽ giảm xuống.

Còn Oleic Acid làm đặc quánh bã nhờn, gây tổn thương cho hàng rào bảo vệ da và tăng tính thấm cho vi khuẩn vào lỗ chân lông lại tăng lên.

Thế nên ngoài việc các bạn chú ý làm sạch thì hãy thử sử dụng các sản phẩm có chứa Linoleic Acid mà phù hợp với làn da mụn. Ví dụ như là Bio-Enrich Linoleic Oil của Twins Skin.

Đồng thời, như Trang nói lúc nãy thì vi khuẩn nó cũng sẽ có cách sinh tồn riêng của nó, bằng cách tiết ra protein để bám dính vào thành lỗ chân lông được sâu hơn.

Cách này sẽ giúp cho vi khuẩn vừa sống sót qua quá trình mà các bạn làm sạch, đồng thời là giúp cho nó tăng sinh và phát triển.

Thế nên từ giờ ai mà nói với các bạn là “sao để cái mặt dơ vậy, để bị mụn” thì hãy mở đoạn video ở đầu bài lên cho các “mỏ hỗn” đó nghe. Chắc chắn là im thin thít và lùng bùng lỗ tai.

Tiện ý này, Trang nói luôn:

Hiểu lầm 4: Kháng sinh là phương pháp điều trị tốt nhất

Nhiều bạn cứ nói đến diệt khuẩn là tự động nghĩ về kháng sinh. Các bạn coi kháng sinh là phương pháp điều trị mụn tốt nhất. Nhưng mà C.acnes nó đâu có dễ chơi như vậy. Sau khi mà “an cư” rồi bắt đầu “lạc nghiệp”, tụi nó vào được lỗ chân lông ăn chán chê no nê bã nhờn thì sẽ phát ra các tín hiệu hóa học để giao tiếp với nhau, san sẻ thức ăn cho nhau, báo hiệu với nhau những tín hiệu nguy hiểm.

Đặc biệt, để nâng tổng sức mạnh lên thì nó tập hợp lại để tạo ra màng biofilm (màng sinh học).

Cái màng này nó khác với màng tế bào của từng vi khuẩn nha. Đây là một ma trận chất nhầy có khả năng bảo vệ một tập hợp vi khuẩn và nó sẽ có thể kháng lại được các phương pháp điều trị thông thường như là sử dụng kháng sinh hoặc phương pháp khử trùng.

Vào năm 2018, có một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế về vi sinh là loại IA1 có khả năng tạo ra màng biofilm tốt hơn từ 2 đến 8 lần so với những loại khác.

Có một điều nữa Trang muốn cảnh báo là hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh đã nằm ở phạm vi trên toàn thế giới rồi mọi người. Chỉ từ 20% (1979) thì nó đã tăng lên 64% (2000), và bây giờ là năm 2024. Nói vậy là hiểu rồi đúng không?

Nói thêm C.acnes đang kháng 3 loại kháng sinh chính: clindamycin, tetracycline và erythromycin. Mọi người cũng đừng quá sốt ruột mà sử dụng ngay thuốc kháng sinh truyền thống. Bởi vì hiện tại từ sự hiểu biết trên thì các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra các phương pháp điều trị mụn mới, ví dụ như là giảm bớt độ bám dính của C.acnes ở trong thành nang lông. Quan trọng nhất đó là loại bỏ được màng biofilm. Đây là thứ mà các loại thuốc kháng sinh truyền thống vẫn chưa xử lý tốt. Còn bây giờ mọi người cứ sử dụng kháng sinh bừa bãi, đặc biệt là cái tuýt Klenzit-C có chứa clindamycin đó.

Trang đã trao đổi với rất nhiều bác sĩ da liễu rồi. Đa phần các bác sẽ chọn phương án là phối hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau và giảm tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh.

Đến hiểu lầm cuối cùng:

Hiểu lầm 5: C.acnes là loại vi khuẩn gây mụn duy nhất trên da

Trang sẽ để một cái bảng ở đây cho các bạn nhìn mặt từng “đứa”.

Tóm lại, C.acnes cũng như mọi thứ ở trên đời thôi, không tốt hoàn toàn mà cũng chả xấu hoàn toàn. Cách duy nhất là chúng ta phải tập trung tìm hiểu sâu vào bản chất để minh định đâu là đúng sai theo cách nhìn phù hợp cho riêng mình.

Cũng giống như là câu hát của DSK ấy: “Lớn rồi, chữ thiện – ác không những chỉ định nghĩa mà còn có cả giao diện khác.”

Và Trang nghĩ những sự hiểu lầm ở trên đã khiến cho tình trạng loạn khuẩn trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là trên làn da dầu mụn. Nó làm cho Trang nhớ câu chuyện mà bác sĩ Bạch Sương nói với Trang: “Không phải là diệt khuẩn mà là diệt loạn khuẩn với cân bằng hệ vi sinh mới là tương lai của điều trị mụn”. 

Nhưng mà mọi người cũng đừng nghĩ đơn giản nó chỉ nằm ở mức độ là sử dụng mỹ phẩm vi sinh nhá. Nó thực sự là cả một hệ tư tưởng nhưng mà Trang sẽ dành một bài viết khác để nói.

Sau cùng, hãy đăng ký tư vấn da miễn phí nếu bạn cần team Trang hỗ trợ.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here