Toàn bộ nội dung
Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Vì sao Trang không chọn concept mỹ phẩm thuần chay cho brand của mình? #latrang #myphamthuanchay #skincare #beautytok
Chốt hạ quan điểm ngay từ đầu, Trang viết chủ đề này không mục đích đá xéo đá xiên bất cứ brand nào cả. Chúng ta ở đây để mở rộng góc nhìn, và Trang muốn nêu quan điểm vì sao Trang không gọi thương hiệu của mình là mỹ phẩm thuần chay. Nên nếu bạn muốn hóng drama thì xin lỗi, thứ bạn cần Trang không có :))
Muốn bàn về mỹ phẩm thuần chay trước hết cũng hiểu nó là gì đã chứ nhỉ?
I/ Mỹ phẩm thuần chay là gì?
Mỹ phẩm thuần chay là khái niệm dùng để chỉ các sản phẩm mỹ phẩm:
- Không thí nghiệm trên động vật.
- Không sử dụng thành phần có nguồn gốc từ động vật.
Tất cả các brands Trang đang làm đều đảm bảo được cả 2 yếu tố kể trên, nhưng Trang không chọn concept thuần chay để phát triển brand. Vì sao vậy? 3 quan điểm Trang sắp chia sẻ dưới đây sẽ là câu trả lời.
II/ Vì sao Trang không gọi brand của mình là mỹ phẩm thuần chay?
1. Thị trường mỹ phẩm thuần chay đang thừa hưởng và sử dụng các hoạt chất từng được thí nghiệm trên động vật
Hầu hết các hoạt chất nổi tiếng như BHA/AHA/Retinol/Ferulic Acid… đều đã được thí nghiệm trên động vật từ các nhà khoa học trên thế giới. Bỏ qua yếu tố các hoạt chất trên có cần thiết thí nghiệm trên động vật không nhé. Tại vì chuyện đó thực tế nó đã xảy ra rồi.
Dù không trực tiếp thí nghiệm, nhưng chúng ta ngồi đây tận hưởng những thành quả nghiên cứu đó. Người ta thì bị chửi sml, riêng ở điểm này Trang thấy mình có tốt đẹp gì hơn đâu mà được làm “bông tuyết trắng” vô tội :))
2. Mỹ phẩm thuần chay liệu phải là concept truyền thông giúp brands cạnh tranh bền vững?
Chỉ mới xét riêng về mặt truyền thông, Trang đã nhận thấy thuần chay là một yếu tố cạnh tranh ngắn hạn.
Lấy thị trường Trung Quốc làm minh chứng đi. Vì sao ư? Vì đây là thị trường tỷ dân rộng lớn và màu mỡ mà bất cứ brand mỹ phẩm nào cũng muốn chen chân nên sự biến động của nó sẽ có ảnh hưởng lớn đến xu hướng mỹ phẩm toàn cầu.
Trước đây, Trung Quốc bắt buộc tất cả brands mỹ phẩm nhập khẩu qua nước họ phải thí nghiệm qua động vật. Khi đó, một số brands của các “ông lớn” như Unilever, Shiseido, Estee Lauder, L’Oréal… phải bỏ đi cái mác không thí nghiệm trên động vật (thuần chay) để bước chân vào thị trường làm đẹp được định giá ~60 tỷ đô này.
Nên “thuần chay” vẫn còn có cái gì đó khác biệt để các brands còn lại chọn làm concept truyền thông.
Nhưng bắt đầu từ tháng 5/2021, Trung Quốc đã có những động thái rõ ràng trong việc cơi nới cho mỹ phẩm không thí nghiệm trên động vật được phép nhập khẩu vào nước họ. Lúc này, các ông lớn đã có thể tự tin gắn mác mỹ phẩm thuần chay trên thị trường lớn này rồi.
Hiện tại vẫn còn kem chống nắng, đồ của trẻ em vẫn còn bắt buộc phải thí nghiệm trên động vật. Nhưng theo Trang nghĩ một thời gian không xa nữa, Trung Quốc, nói rộng hơn là cả thế giới có thể tiến tới toàn cầu hóa mỹ phẩm không thí nghiệm trên động vật.
Chưa kể, các thành phần có nguồn gốc từ động vật, chúng ta có vô số sự thay thế bằng thực vật.
Nên Trang đoán trong vài năm tới, xu hướng mỹ phẩm thuần chay sẽ chiếm 80% thị trường. Đâu đâu cũng nói “chúng tôi là mỹ phẩm thuần chay”. Lúc đó concept thuần chay đâu còn gì khác biệt nữa để mà cạnh tranh?
3. Chưa đảm bảo có thể thực hành thuần chay trong từng hành động nhỏ
Chúng ta cần làm rõ sức sống của một thương hiệu nó nằm ở đâu. Trang đồng ý là bán được lối sống, bán được tư tưởng là đỉnh cao trong business. Vì thật ra cũng chẳng giấu mọe gì đâu :))) Có những lần Trang đã muốn đi theo concept mỹ phẩm thuần chay, rồi lấy nó ra để truyền thông.
Nhưng chung quy, Trang nghĩ sản phẩm vẫn là yếu tố cốt lõi nhất quyết định sự sống của một doanh nghiệp.
Nếu mà chúng ta cứ nói nhiều về lối sống nhưng mà sản phẩm của chúng ta không toát ra được điều đấy thì Trang cảm thấy hơi sáo rỗng. Nên đôi khi không nói gì lại là nói rất nhiều :)) Hãy để sản phẩm của brand mình “tự lên tiếng” về lối sống mà mình đang theo đuổi.
Còn một khi đã đưa ra tuyên bố, khẳng định thì Trang thấy nó hơi nặng nề và áp lực. Bởi vì có thể chúng ta sẽ tính toán được trong những cái hành động lớn. Nhưng với những cái hành động nhỏ, mình làm không tới thì tự nó sẽ tố cáo chúng ta. Nên thôi, cứ lẳng lặng làm được gì thì làm :))
Ví dụ như thế này, một brand có thể ra rả nói “tôi rất yêu thương động vật, tôi muốn bảo vệ môi trường” nhưng họ vẫn đang sử dụng giấy rất nhiều. Như vậy thì phải chặt cây, phá rừng, làm mất đi môi trường sống của động vật ở đó.
Rồi họ vẫn còn sử dụng rất nhiều nhựa không thể tái chế. Nguyên nhân có thể đến từ việc tối ưu chi phí giá vốn (một việc làm rất bình thường của người làm business).
Hay chính bản thân một founder, đã thôi sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến động vật chưa? Đã ăn chay trường chưa?
Với bản thân Trang, nếu các câu trả lời là không thì Trang sẽ không dám tuyên bố. Vì những điều kể trên khi gắn với tuyên bố thuần chay thì Trang thấy mâu thuẫn, làm chưa có tới trong những hành động nhỏ.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, cũng nhờ các thương hiệu mỹ phẩm thuần chay mà Trang thấy thị trường đang dần trở nên nhân văn hơn, người tiêu dùng cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ động vật.
Do đó, nếu các brands làm đàng hoàng thì Trang vẫn sẽ ủng hộ hết lòng. Hơn thế nữa, Trang còn hy vọng những cái chia sẻ nho nhỏ của mình sẽ giúp họ lắng nghe hơn về nhu cầu của người dùng.
Túm cái quần lại, chiến lược có thể thay đổi, sản phẩm có thể cải thiện, miễn là chân thật đến tận cùng là được. Đó cũng là bài học mà Trang phải học và thực hành từng ngày chứ chưa đắc đạo gì để mà dám dạy đời ai đâu.
Trang cũng rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn để để chúng ta cùng nhau mở rộng góc nhìn nhé!
À, Trang biết sẽ có bạn nghĩ Trang viết chủ đề này để diss Cocoon và nghĩ Trang chơi bài truyền thông để dìm đối thủ nên bài sau Trang sẽ nói về Cocoon – Mỹ phẩm thuần chay Việt Nam nha :))
Xem ngay: Review mỹ phẩm thuần chay Cocoon – Góc nhìn thẳng thắn của Trang