Toàn bộ nội dung
Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Kem chống nắng là kem chống oxy hoá? Kèo này tôi xanh chín với cả @Kê nhé. #latrang #kemchongnang #beautytok #goclamdep
Chuyện là Trang có lướt TikTok và thấy quan điểm thế này: “Kem chống nắng là kem chống oxy hóa”. Trang nghĩ có thể người này nói hơi vắn tắc nên đâm ra gây hiểu lầm. Và nó trở thành idea để Trang viết bài cho các bạn đọc đây.
Vào thẳng vấn đề, bạn nào đang nghĩ “kem chống oxy hóa và kem chống nắng là một” thì từ từ ngồi xuống đây nghe Trang phân tích xem bạn có đang hiểu sai không nhé.
Trước hết, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ và thống nhất một vài khái niệm hóa học. Nghe tới đây một số bạn đừng có mà bỏ chạy mất dép nhá. Bởi vì một khi đã bước chân vào con đường skincare thì ta có thể tha hóa nhưng tin Trang đi, Hóa không bao giờ tha ta đâu :))
I/ Oxy hóa là gì?
Oxy hóa là sự mất đi các electron trong một phản ứng bởi phân tử, nguyên tử hoặc các ion. Hơi khó hiểu phải không? Như thế này, Trang sẽ ví von quá trình oxy hóa bằng một câu chuyện quen thuộc, đảm bảo các bạn sẽ hiểu nhanh thôi :))
Bạn cứ tưởng tượng, có một cô công chúa nhưng mà có tới 2 người muốn lấy vợ. Khi vua gả công chúa cho người này thì người kia sẽ thành ra mất vợ. Lúc đó, anh mất vợ sẽ nổi trận lôi đình và quấy phá. Anh này được gọi là gốc tự do (*) – aka Thủy Tinh :))
(*) Gốc tự do (free radical): Là những nguyên tử/ phân tử bị mất đi 1 electron ở lớp vỏ ngoài cùng.
Giống như việc Thủy Tinh quấy phá, những phân tử bị mất đi electron (aka công chúa) sẽ lùng sục để cướp electron của các phân tử khác. Hiện tượng này gây ra những phá hủy nặng nề cho làn da và cả cơ thể của chúng ta.
Dựa trên cơ chế hoạt động của gốc tự do cũng như quá trình oxy hóa, Trang sẽ chỉ ra cho mọi người thấy cách thức hoạt động của kem chống nắng và kem chống oxy hóa.
II/ Cách thức hoạt động của kem chống oxy hóa
Để xoa dịu được Thủy Tinh, chúng ta sẽ tìm một cô công chúng khác để gả cho ảnh :)) Đồng nghĩa với việc để gốc tự do không đi quấy phá, cướp electron, phá hủy tế bào, chúng ta sẽ cần đến sự giúp đỡ của các chất chống oxy để tặng electron cho gốc tự do.
Quá trình này gọi là trung hòa gốc tự do hay là chống oxy hóa.
III/ Cách thức hoạt động của kem chống nắng
Chúng ta đều biết tia UV là một trong những tác nhân tạo ra gốc tự do trên da của chúng ta. Tuy nhiên, việc sử dụng kem chống nắng không có tác dụng trung hòa gốc tự do mà là NGĂN CHẶN VIỆC TẠO RA GỐC TỰ DO bằng một cơ chế khác.
Kem chống nắng sẽ hấp thụ, phản xạ tia UV. Tóm lại là làm giảm năng lượng của tia UV trước khi tia UV đi vào da của chúng ta.
Nói một cách đơn giản thì:
– Kem chống nắng sẽ tạo lá chắn, không cho tia UV xâm nhập vào da bạn để tạo ra gốc tự do.
– Còn kem chống lão hóa sẽ làm nhiệm vụ giải quyết các gốc tự do (được tạo ra bởi tia UV xâm nhập vào da do bạn chống nắng không hiệu quả) và giải quyết cả những gốc tự do đang tồn tại trên da do sinh ra từ nhiều nguyên nhân khác.
Vậy thì, về mặt khái niệm, rõ ràng kem chống nắng và kem chống oxy hóa, tụi nó có 2 chức năng, 2 cơ chế hoạt động khác nhau.
IV/ Kết luận
Tóm lại, theo quan điểm của Trang, kem chống nắng và kem chống oxy hóa là 2 loại kem khác nhau. Chúng hỗ trợ nhau chứ không thay thế nhau. Kem chống nắng là tiền tuyến còn các chất chống oxy hóa sẽ là hậu phương. Thế nên, việc nói kem chống nắng là kem chống oxy hóa (như quan điểm Trang nhắc ở đầu bài) sẽ rất dễ gây tranh cãi.
Tóm lại, mọi người cứ thoải mái sử dụng cả 2 loại sản phẩm này, không cần phải lăn tăn suy nghĩ gì cả. Bởi vì việc skincare là để vui mà. Ngoài ra, mọi người có thể lựa chọn kem chống nắng có tích hợp thêm các thành phần chống oxy hóa cũng rất ổn.
Mà thật ra, Trang nghĩ để chúng ta có được một tuổi già tươi trẻ (well-aging) thì không phụ thuộc vào hũ kem chống nắng hay chống oxy hóa đâu các bạn ạ. Quan trọng nhất là tâm hồn tươi trẻ kìa. Cứ bôi cho nhiều nhưng không thử tự hỏi tâm hồn mình có đang bị oxy hóa chưa kìa :))
Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!
Xem thêm: Benzoyl Peroxide trị mụn bằng cách nào? Ngưng dùng BenZoyl Peroxide vì hở tí là chai mụn, thâm mụn?