Toàn bộ nội dung
Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Góc nhìn thẳng thắn của Trang về Cocoon. #latrang #cocoon #myphamthuanchay #tiktokbeauty #beautytok
Trong bài VÌ SAO TRANG KHÔNG CHỌN CONCEPT MỸ PHẨM THUẦN CHAY CHO BRANDS CỦA MÌNH, một vài bạn cho rằng Trang đang ám chỉ mỹ phẩm thuần chay Cocoon, hay thậm chí là diss, chơi bài truyền thông xấu để dìm hàng đối thủ.
Trang khẳng định lại, đó chỉ là góc nhìn của Trang về thị trường mỹ phẩm thuần chay nói chung chứ không mục đích đá xéo, đá xiên bất cứ brand nào. Còn một khi Trang muốn nói thì sẽ gọi thẳng tên, không cần phải nói tránh hãng B, hãng C nào cả.
Như trong bài viết này, Trang sẽ thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình về mỹ phẩm thuần chay Cocoon, đồng thời mở rộng góc nhìn một xíu về thị trường, với tư cách vừa là chủ một nhãn hàng khác, vừa là một người làm sáng tạo nội dung. Bạn hóng xem thử Trang có bóc phốt Cocoon gì không nhá :)))
I/ Quan điểm 1: Trang không chọn concept thuần chay không có nghĩa mỹ phẩm thuần chay cocoon hay mọi brand theo concept thuần chay đều xấu xa
Xin khẳng định lại, Trang vẫn không chọn concept mỹ phẩm thuần chay nhưng điều đó không có nghĩa tất cả các brands mỹ phẩm thuần chay đều xấu xa, chỉ biết PR, bán hàng chứ không làm được điều gì ý nghĩa cho cộng đồng.
Đơn cử như thương hiệu mỹ phẩn thuần chay Cocoon, Trang thấy họ có làm được những hoạt động thiết thực. Ví dụ như campaign Chấm dứt dịch vụ cưỡi voi và phát triển du lịch thân thiện cùng voi tại Đăk Lăk.
Từ năm 2020, khi đi Buôn Mê về, Trang cũng thấy chướng mắt, đau lòng với vấn nạn cưỡi voi nên cũng có lên bài viết ở trên trang Facebook cá nhân. Nhưng với Cocoon, họ biết tận dụng sức mạnh của mình và đã tạo ra một campaign rất ra trò.
Ngoài ra, họ cũng có những hoạt động ý nghĩa khác như thu gom pin, nhặt rác. Nói thật, làm campaign vất vả lắm, không yêu thì không làm được bền như thế đâu. Nên Trang thấy Cocoon đang theo đuổi concept này một cách khá nghiêm túc và có sự nhân văn.
Nên, tuy Trang không “respect” Cocoon bởi thuần chay nhưng Trang respect họ bởi những hoạt động ý nghĩa và thiết thực cho cộng đồng. Quan điểm của Trang là cái gì họ làm tốt, làm hay hơn mình thì phải công nhận và tránh tư duy trắng đen rằng tao không chọn nghĩa là tao đúng còn mày sai.
II/ Quan điểm 2: Dù thuần chay hay không, brands cũng là con buôn thuần túy
Trang nghĩ, thuần chay hay không thuần chay cũng cậy, một khi mà đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua bán thì tất cả chúng ta đều có tội với môi trường. Thế nên, từng brand, từng người sẽ cần có trách nhiệm và sự tiết chế thôi.
Còn nói về góc nhìn là một người kinh doanh đơn thuần thì Trang nghĩ: Buôn có hội, bán có phường. Thực chất, thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Cocoon phát triển mạnh mẽ thông qua cốt lõi là sản phẩm của họ. Bởi vì:
Thứ nhất, nếu sản phẩm quá tệ thì có thuần chay hay như thế nào thì họ cũng không thể giữ chân được khách hàng đúng không?
Thứ hai, về phương diện phụng sự xã hội, mỹ phẩm thuần chay Cocoon làm được thì tất cả các brands Việt đều được hưởng lợi. Và ngược lại, nếu Cocoon có làm một cái gì không tốt, tất cả những brands còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ở đây cụ thể chính là góc nhìn thiện cảm của người tiêu dùng với lại mỹ phẩm nội địa khoa học Việt Nam.
Thương trường là chiến trường nên thằng nào giỏi, thằng đó sẽ có được trái tim của khách hàng. Chứ brand kém cỏi, ăn rồi chỉ giỏi dìm nhau xuống thì Trang nói thật, “đạn lạc” thôi cũng đã đủ khiến brand đó bay màu khỏi thị trường rồi” :))
Mở rộng vấn đề về yếu tố liên kết giữa các brands:
Trang thấy ở Việt Nam mình, mỹ phẩm thực sự đang bị phát triển manh mún. Bởi vì chúng ta chưa có những hiệp hội đủ uy tín để:
- Vừa bảo vệ được thương hiệu quốc gia, từ đó giúp cho thương hiệu nội địa đi ra được biển lớn dễ dàng hơn.
- Vừa mang ý nghĩa nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Ở những đất nước có hiệp hội phát triển, đôi khi tiếng nói và quy chuẩn của hiệp hội còn quan trọng hơn cả những chứng nhận của quốc tế. Nếu nước ta cũng có hiệp hội như thế thì Trang nghĩ các brands mỹ phẩm Việt có thể ngồi lại với nhau để đưa ra những quy định rõ ràng hơn nữa về việc:
- Thương hiệu cần phải sản xuất như thế nào để đỡ tác động vào môi trường.
- Điều gì thương hiệu được phát ngôn và điều gì hiệp hội chúng tôi sẽ không chấp nhận.
Bằng cách này, Trang nghĩ biết đâu được tiêu chuẩn thuần chay ở Việt Nam sẽ trở nên khác biệt, rõ ràng và minh bạch hơn so với những tiêu chuẩn thuần chay mà chúng ta đang biết tới thì sao? Hy vọng trong thời gian sắp tới, Trang có thể chung tay để xây dựng hiệp hội này.
III/ Quan điểm của Trang về việc “chỉ mặt gọi tên” thẳng thắn một nhãn hàng
Có thể một số bạn thấy rằng việc chủ nhãn hàng này nói trực tiếp về nhãn hàng khác như Trang đang làm là điều nhạy cảm. Hay Trang không nên đưa ra bất cứ một quan điểm công khai nào có đụng chạm đến concept của brand khác.
Ừ, kệ các bạn đó, thật ra Trang không quan tâm đâu :)) Bởi vì quan điểm của Trang khác.
Ví dụ như ở Silicon Valley, tuy xa Việt Nam mình nhưng Trang nghĩ cái gì hay thì mình nên học hỏi. Ở đó, chủ các nhãn hàng họ rất thoải mái để nói về quan điểm cá nhân và chả hề đụng chạm đến một ai cả.
Thậm chí họ còn “combat” nhau để bảo vệ quan điểm cá nhân, viết sách về nhau. Nếu bạn đọc cuốn “Chơi đẹp nhưng phải thắng” của Michael Dell (chủ nhãn hàng Dell) thì các bạn sẽ thấy rất rõ điều này.
Với Trang, thẳng thắn bày tỏ quan điểm về nhau là biểu hiện của một thị trường đầy nội lực, minh bạch. Ở đó, người ta sẵn sàng nói và chịu trách nhiệm trước lời nói của mình. Và dù yêu hay ghét thì các nhãn hàng vẫn có thể học hỏi và mở rộng quan điểm.
Thế nên, Trang sẽ tiếp tục làm và dám được ghét. Nhưng mà các bạn nhớ ghét một chút thôi đấy nhá :)))
Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!