1 liệu trình điều trị bớt Ota miễn phí – Chương trình do bác sĩ Tô Lan Phương x Đồng Điệu tài trợ

Bác sĩ Tô Lan Phương kết hợp cùng group Đồng Điệu (Sống đơn thuần – Đẹp đơn giản) trao tặng món quà dành cho member group hoặc người thân CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ BỚT OTA MIỄN PHÍ tại Lux Beauty Center.
(Địa chỉ: 33C1 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP.HCM).
Bớt Ota là một loại bớt bẩm sinh, gây ảnh hưởng lớn đến ngoại hình cũng như tâm lý của bệnh nhân. Nhiều bạn chưa có cơ hội điều trị vì lo lắng về mặt chi phí, cũng như chưa rõ về liệu trình chăm sóc trong và sau khi điều trị bớt Ota.
Hiểu được những khó khăn này, bác sĩ Phương tài trợ miễn phí 1 liệu trình laser điều trị bớt Ota cho member Đồng Điệu.

Chi tiết chương trình

  • Phạm vi tài trợ: Toàn bộ chi phí laser cho 1 liệu trình (chương trình không bao gồm thuốc bôi trong thời gian thực hiện liệu trình).
  • Đối tượng tham gia: Tất cả các bệnh nhân bị bớt Ota từ 16 tuổi trở lên.
  • Cách thức đăng ký: Nhắn tin trực tiếp vào fanpage của Lux Beauty Center hoặc Bác sĩ Tô Lan Phương kèm mã code DONGDIEU để nhận tư vấn chi tiết.
  • Điều kiện: Lux Beauty Center sẽ được sử dụng hình ảnh và thông tin trong quá trình điều trị để làm thông tin lâm sàng thực tế để tiếp tục nhân rộng hoạt động điều trị bớt Ota miễn phí trong tương lai.
  • Nếu bạn may mắn không cần điều trị, hãy giúp lan tỏa thông tin này đến với bạn bè và người thân, đặc biệt là những ai có hoàn cảnh khó khăn và đang mắc bớt Ota. Điều này sẽ giúp nhiều người có cơ hội cải thiện ngoại hình và sự tự tin trong cuộc sống của nhiều người.

 

dieu-tri-bot-ota-mien-phi

 

Một số những thông tin khoa học về bớt Ota và điều trị loại bớt này dành cho các Đồng điệu quan tâm tìm hiểu:

1. Bớt Ota là gì?

Bớt Ota, hay còn gọi là Nevus of Ota – nevus fuscoceruleus ophthalmomaxillaris, là một loại u sắc tố bẩm sinh lành tính xuất hiện ở lớp hạ bì của da. Bớt này thường biểu hiện bằng hiện tượng tăng sắc tố xanh dọc theo nhánh thứ nhất hoặc thứ hai của “dây thần kinh sanh ba” (trigeminal nerve), tức là vùng mặt quanh mắt, trán và má. Tuy không gây hại gì sức khoẻ nhưng lại khiến người bệnh rất tự ti và mặc cảm về ngoại hình.

2. Đặc điểm hình thái và phân bố

Để hiểu thêm về bớt Ota, ta cần phải nắm rõ các đặc điểm hình thái bên ngoài và các yếu tố khác để phân định đâu là bớt Ota, đâu là các tình trạng bớt và tăng sắc tố ngoài da khác.
  • Màu sắc và hình thái: Bớt Ota có màu xanh đen hoặc xám xanh, không đều màu và có thể thay đổi theo thời gian. Các mảng sắc tố này nằm sâu trong lớp hạ bì, nơi các tế bào hắc sắc tố (melanocytes) phân bố xen kẽ giữa các sợi collagen. Sự phân bố này tạo ra màu sắc xanh đen đặc trưng khi ánh sáng phản chiếu qua lớp hạ bì chứa các tế bào sắc tố.
  • Vị trí: Phổ biến nhất ở vùng mặt, đặc biệt là quanh mắt, trán, má và mũi. Ngoài ra, bớt Ota cũng có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mắt và miệng, gây ra sự thay đổi màu sắc ở những vùng này.
  • Biểu hiện khác: Bên cạnh các triệu chứng trên da, bớt Ota cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan ngoài da, đặc biệt là mắt. Khoảng 10-15% bệnh nhân bị bớt Ota có thể gặp các biến chứng về mắt, bao gồm tăng nhãn áp, viêm giác mạc và các vấn đề khác liên quan đến mắt.

3. Đối tượng thường gặp

Bớt Ota phổ biến hơn ở người châu Á, đặc biệt là phụ nữ. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở người Nhật Bản và ít phổ biến hơn ở các nhóm dân tộc khác.
  • Tỷ lệ mắc: Khoảng 0,014%–0,034% dân số châu Á mắc phải tình trạng này.
  • Giới tính: Phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới, với tỷ lệ nữ:nam mắc bệnh khoảng 5:1
  • Tuổi: Bớt Ota có thể xuất hiện từ khi mới sinh hoặc trong thời thơ ấu, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào.

4. Sinh bệnh học

  • Cơ chế hình thành: Bớt Ota hình thành do sự ứ đọng của các tế bào hắc sắc tố trong lớp hạ bì. Quá trình này xảy ra trong giai đoạn phát triển phôi thai. Hắc sắc tố có nguồn gốc từ mào thần kinh và trong quá trình phát triển, chúng di chuyển đến các lớp biểu bì để thực hiện chức năng tạo sắc tố. Ở những người bị bớt Ota, các tế bào hắc sắc tố không di chuyển hoàn toàn đến lớp biểu bì mà bị giữ lại trong lớp hạ bì. Điều này dẫn đến sự tích tụ của các tế bào sắc tố ở lớp sâu hơn của da, gây ra hiện tượng tăng sắc tố xanh đen đặc trưng của bớt Ota.

dieu-tri-bot-ota-mien-phi

  • Yếu tố di truyền và môi trường
Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa bớt Ota và yếu tố di truyền, mặc dù không có gen cụ thể nào được xác định. Bớt Ota không thường xuyên có tính di truyền rõ ràng, nhưng có thể có yếu tố gia đình trong một số trường hợp.
Yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường trong quá trình phát triển phôi thai cũng có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của các tế bào hắc sắc tố và dẫn đến sự hình thành bớt Ota. Các kích thích như nhiễm trùng, chấn thương tâm lý và sự phơi nhiễm quá lâu với tia UV cũng có thể là nguyên nhân kích tạo bớt.

5. Phân biệt với các loại bớt khác và nám

  • Nevus of Ito: Mặc dù màu sắc và cấu trúc tương tự bớt Ota, nhưng vị trí xuất hiện khác nhau giúp phân biệt hai loại bớt này. Nevus of Ito không xuất hiện ở mặt như bớt Ota.
  • Mongolian Spot: Mongolian Spot thường gặp ở trẻ sơ sinh và có xu hướng mờ đi khi trẻ lớn lên. Ngược lại, bớt Ota có thể tồn tại suốt đời và không mờ đi.
  • Bớt Hori (Hori’s Nevus): Bớt Hori thường xuất hiện đối xứng trên cả hai bên mặt, khác với bớt Ota thường không đối xứng. Ngoài ra, bớt Hori xuất hiện ở người trưởng thành và không có yếu tố di truyền rõ ràng như bớt Ota.
  • Nám (Melasma): Nám có màu nâu, không có màu xanh đen hoặc xám xanh như bớt Ota. Nám thường phát triển do tác động của hormone và ánh nắng mặt trời, và có thể thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai, trong khi bớt Ota là một tình trạng bẩm sinh.

6. Phương pháp điều trị hiện có

Điều trị bớt Ota đã có nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua, đặc biệt với sự ra đời của các phương pháp điều trị bằng laser. Điều trị bớt Ota bằng laser đã mang lại hiệu quả rõ rệt và an toàn hơn so với các phương pháp truyền thống như liệu pháp đông lạnh hay phẫu thuật vi mô. Tuy nhiên, mỗi loại laser có đặc điểm và hiệu quả khác nhau, do đó lựa chọn phương pháp điều trị cần dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

7. Lời kết

Bớt Ota, dù không gây hại đến sức khỏe, nhưng gây ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý của người bệnh. Với sự phát triển của y học, bớt Ota có thể được điều trị hiệu quả bằng công nghệ laser. Nhưng cũng như bao loại bớt tăng sắc tố khác, bớt Ota rất khó để hết dứt điểm trong một lần điều trị, mà thay vào đó, cần phải theo một liệu trình để giảm từ từ. Điều này cũng kéo theo nhiều gánh nặng về tâm lý và chi phí cho bệnh nhân.
Mong rằng hoạt động tài trợ liệu trình điều trị miễn phí bớt Ota của bác Tô Lan Phương kết hợp cùng Đồng Điệu sẽ được các anh chị em trong group lan tỏa và giúp đỡ được nhiều bạn.
Trân trọng!

_____________________________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Bác sĩ Tô Lan Phương và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Nguồn tham khảo

Chan, H. H., & Kono, T. (2003). Nevus of Ota: clinical aspects and management. SKINmed: Dermatology for the Clinician, 2(2), 89-98.
Hidano, A. (1967). Natural History of Nevus of Ota. Archives of Dermatology, 95(2), 187.
Hasegawa, T., Hata, Y., Hori, Y., & Matsui, T. (2001). Treatment of Nevus of Ota by Q-switched alexandrite laser. Journal of the American Academy of Dermatology, 44(3), 481-486.
Chan, H. H., Alam, M., Kono, T., & Dover, J. S. (2002). Clinical application of lasers in Asians. Dermatologic surgery, 28(7), 556-563.
Sinha, S., Cohen, P. J., & Schwartz, R. A. (2008). Nevus of Ota in children. Cutis, 82(1), 25-29.
Lee, B., Kim, Y. C., Kang, W. H., & Lee, E. S. (2004). Comparison of characteristics of acquired bilateral nevus of Ota-like macules and nevus of Ota according to therapeutic outcome. Journal of Korean Medical Science, 19(4), 554.
Lee, W. J., Han, S. S., Chang, S. E., Lee, M. W., Choi, J. H., Moon, K. C., & Koh, J. K. (2009). Q-Switched Nd: YAG laser therapy of acquired bilateral nevus of Ota-like macules. Annals of Dermatology, 21(3), 255.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here