Mỹ phẩm thiên nhiên và mỹ phẩm hữu cơ – Điểm khác biệt cùng tiềm năng phát triển

I. Tiềm năng của ngành mỹ phẩm hữu cơ:

Từ nhiều năm nay, nhánh mỹ phẩm thiên nhiên và mỹ phẩm hữu cơ vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường mỹ phẩm đầy cạnh tranh. Theo cuộc khảo sát về tâm lý, nhu cầu sử dụng đồ ăn/sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ của Hội đồng sản phẩm hữu cơ của Pháp “COSMEBIO” (l’Association française de la cosmetique bio) vào năm 2016 cho biết:
  • 41% người tiêu dùng lựa chọn mỹ phẩm hữu cơ vì sức khỏe cơ thể và làn da, hướng đến một cuộc sống sạch.
  • 26% lựa chọn vì môi trường, thiên nhiên, ủng hộ nền nông nghiệp.
  • 21% yêu thích sản phẩm hữu cơ vì hương vị, hương liệu dễ chịu
  • 15% tìm đến các sản phẩm này vì lo sợ các loại thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến sức khoẻ.

my-pham-huu-co-my-pham-thien-nhien

Phân khúc sản phẩm hữu cơ được đánh giá rất có tiềm năng đặc biệt mỹ phẩm hữu cơ bởi sự nhảy vọt về con số qua từng năm (hình 2).
my-pham-huu-co-my-pham-thien-nhien

II. Sự khác nhau giữa sản phẩm hữu cơ và thiên nhiên:

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại sự không rõ ràng giữa sản phẩm thiên nhiên và sản phẩm hữu cơ. Thực tế sản phẩm thiên nhiên vẫn có nhiều đặc điểm khác với hữu cơ mà người tiêu dùng không thể dễ dàng phân biệt.

1. Nguyên liệu đầu vào

Ở khu vực châu Âu, sự khác biệt trong khái niệm giữa sản phẩm thiên nhiên và hữu cơ nằm chủ yếu ở tỷ lệ % thành phần thiên nhiên và nguyên liệu đầu vào. Cụ thể:
  • Sản phẩm thiên nhiên bao gồm ít nhất 95% nguồn nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên
  • Sản phẩm hữu cơ gồm ít nhất 95% nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên và được nuôi trồng, thu hoạch theo tiêu chuẩn thuần nông nghiệp hữu cơ.
Nguồn nguyên liệu được chia thành 3 nhóm đánh giá:
  • Nhóm 1: Nguyên liệu thuần thiên nhiên (authentic), chúng được thu chiết… bằng phương pháp vật lý, không qua quá trình biến đổi hoá học (ví dụ: mật ong, dầu hạt bơ, bơ cacao…).
  • Nhóm 2: Nguyên liệu chiết xuất từ thiên nhiên, trải qua quá trình biến đổi nhẹ nhàng và vẫn giữ được thể trạng gần giống thể trạng tự nhiên. Ví dụ các thành phần được ghi “hydrolyzed”, “hydrogenated”, các chất đóng vai trò nhũ hoá (cetearyl glucoside) và chất hoạt động bề mặt (coco glucoside).
  • Nhóm 3: Nguyên liệu thuần tổng hợp phải nằm trong danh sách an toàn hoặc được tìm thấy trong tự nhiên. (ví dụ: salicylic acid được tìm thấy trong cây liễu, benzyl alcohol có trong một số loại hoa như ylang ylang, hoa nhài). Một số các loại dầu qua quá trình este hoá cũng được chấp thuận như coco caprylate, caprylic triglyceride…
Mỗi hiệp hội sản phẩm hữu cơ sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau về tỷ lệ các thành phần nhưng đa phần đều có sự thống nhất chung giữa hiệp hội các nước bởi sự quản lý của hiệp hội INAO – tổ chức đánh giá chất lượng, nguồn gốc của hội đồng chung châu Âu. Mặt khác đất đai, mùa vụ, cách thức nuôi trồng…cũng cần đáp ứng đúng theo quy định của các tổ chức để được chứng nhận sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn.

2. Không chứa thành phần gây hại cho môi trường

Mục đích vì môi trường là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng thị trường mỹ phẩm hữu cơ. Các nhóm chứa silicone (cyclopentasiloxane), nhóm hoá dầu (dầu khoáng, vaseline, PEG), một số chất bảo quản như BHA, BHT, EDTA…

3. Không chứa các thành phần gây hại hoặc bị nghi ngại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người

Ngoài mục đích vì môi trường, các hiệp hội đề cao đến sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt nhóm tuổi trung niên ở Pháp (tài chính, công việc ổn định), họ muốn lựa chọn nguồn sản phẩm xanh, đảm bảo sức khoẻ, không có chất gây hại. Các chất có nguy cơ gây rối loạn nội tiết, biến đổi gen OGM, dị ứng, gây ung thư sẽ không được có mặt trong sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ (ví dụ: parabens, phthalates, triclosan, BHA, BHT…).

4. Hương liệu, màu sắc tổng hợp

Yếu tố giúp quá trình trải nghiệm sản phẩm dễ chịu và ấn tượng hơn. Tuy nhiên hương liệu, màu sắc tổng hợp có nhiều nghi ngại gây dị ứng, ung thư.

5. Các phổ chống nắng hữu cơ

Giống với FDA, các hiệp hội sản phẩm hữu cơ đặt nhiều nghi vấn với các phổ chống nắng hữu cơ vì khả năng thẩm thấu qua da, gây rối loạn tuyến nội tiết đồng thời ảnh hưởng sinh thái biển. Chính vì vậy chỉ duy nhất hai phổ chống nắng vô cơ zinc oxide và titanium dioxide được chấp thuận trong sản phẩm thuần hữu cơ.
Ngoài 5 tiêu chí xét duyệt cơ bản, sản phẩm hữu cơ ở khu vực châu Âu còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác:
  • Nhà sản xuất: mặc dù các hiệp hội là bên đưa ra luật lệ, tiêu chuẩn chất lượng nhưng không có nghĩa nhà sản xuất mất đi chỗ đứng. Họ vẫn có thể thuyết phục các label tăng giảm nồng độ, mẫu mã, câu từ in ấn trên bao bì…để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất trước khi ra thị trường.
  • Loại sản phẩm: chất lượng sản phẩm thiên nhiên và hữu cơ tuỳ thuộc vào loại sản phẩm. Mình lấy ví dụ một hộp kem dưỡng ẩm chứa tỷ lệ thành phần thuần thiên nhiên hoặc nguồn gốc thiên nhiên đạt tiêu chuẩn hàng hữu cơ dễ hơn dầu gội đầu. Thực tế một hãng sở hữu nhiều sản phẩm không đồng nghĩa các sản phẩm đều được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.
  • Sự khác nhau về tiêu chí đánh giá giữa các hiệp hội trong nước, khu vực và quốc tế.
  • Không test trên động vật.
Kết luận: Một sản phẩm thiên nhiên/ nguồn gốc thiên nhiên, có 99% thành phần thiên nhiên trên bao bì thì chưa chắc là một sản phẩm hữu cơ. Nhưng một sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ là một sản phẩm có thành phần thiên nhiên/ nguồn gốc thiên nhiên.

III. Các hiệp hội hàng hữu cơ uy tín:

Nếu bạn là người theo chủ nghĩa sống “xanh”, vậy làm thế nào để yên tâm chắc chắn mình mua mỹ phẩm thuần hữu cơ?
Giống với trường hợp kem chống nắng, mình khuyên mọi người nên tìm các sản phẩm dán nhãn, logo của các hiệp hội hàng hữu cơ uy tín.
my-pham-huu-co-my-pham-thien-nhien
Hiện tại mình đang sinh sống, làm việc tại Pháp nên chưa có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm với sản phẩm và phân khúc mỹ phẩm hữu cơ ở Việt Nam. Vì vậy bài viết của mình dựa trên nghiên cứu, đánh giá, luật pháp khu vực châu Âu (mỗi khu vực, mỗi nước có các điều luật quy định khác nhau có thể một số điểm không trùng khớp).

Tài liệu tham khảo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here