Toàn bộ nội dung
Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Thực hư chuyện càng dùng Retinol càng lão hoá nhanh? #retinol #laohoa #laohoada #telomeres #latrang #latrangskincaretoigian #skincaretoigian #biogenicretinol #twinsskin #goclamdep #beautytok
Có nên dùng Retinol lâu dài không? Vì có nghi vấn cho rằng “càng dùng Retinol, càng lão hóa sớm”. Mọi người đừng cười vội nhé, bởi vì đây thực sự là một câu hỏi có căn cứ mà Trang nhận được từ một bạn trong Group Đồng Điệu (Sống đơn thuần – Đẹp đơn giản).
Đại ý của bạn là Retinol giúp kích thích tăng sinh tế bào mới. Nhưng khả năng tăng sinh tế bào mới của con người là có giới hạn. Thế thì việc Retinol cứ kích thích tế bào tăng sinh như vậy có khiến cho tế bào đạt tới giới hạn, trở nên già nua, thậm chí là chết đi không?
Đây là một thắc mắc khá hay và cũng dễ gây hiểu lầm nếu không được lý giải rõ ràng. Nên Trang sẽ viết bài này để trả lời thắc mắc trên. Và nói trước nha, đây có thể là bài viết xoắn não nên các Đồng Điệu tập trung nghiêm túc đọc nhé!
I/ Làm rõ nghi vấn “Retinol dùng lâu gây lão hóa da” dựa trên cơ sở khoa học
Từ năm 1961 – 1965, Giáo sư Leonard Hayflick đã thực hiện nghiên cứu để chứng minh rằng sự tái tạo của tế bào con người thực sự là hữu hạn.
Cụ thể, tế bào của chúng ta thì có chứa nhiễm sắc thể (thường là 23 cặp nhiễm sắc thể, tổng cộng là 46 nhiễm sắc thể). Và trong nhiễm sắc thể thì có chứa DNA (mang thông tin di truyền). Cứ mỗi lần phân bào thì nhiễm sắc thể cũng sẽ được phân chia nhằm giúp các tế bào mới cũng được mang thông tin di truyền ổn định.
Để quá trình phân bào này được diễn ra suôn sẻ, thông tin di truyền không bị sai lệch mang đến những tế bào da mới khỏe mạnh thì cần có người canh gác bảo vệ để tránh những tác nhân hư hại cho việc phân chia. Người canh gác ấy là Telomere.
Ở trong tiếng Hy Lạp, “Telo” có nghĩa là “cuối”, còn “mere” có nghĩa là “phần”. Đúng như tên gọi, Telomere nó sẽ nằm ở tận cùng mỗi đầu mút nhiễm sắc thể. Từ đây, nó giúp cho nhiễm sắc thể ổn định, không bị cuộn lại với nhau, giúp cho DNA không bị đột biến, thông tin di truyền không bị sai lệch.
Một phát hiện quan trọng của giáo sư Telomere Leonard Hayflick đó là Telomere không phải là một người lính bình thường mà là “cảm tử quân”.
Nhưng mà chiến đấu mãi thì cũng tàn hơi. Cứ sau mỗi lần phân chia tế bào, Telomere sẽ càng bị ngắn lại. Sau khoảng 50 – 70 lần phân chia, Telomere trở nên quá ngắn, không còn bảo vệ được nhiễm sắc thể thì tế bào cũng sẽ chết. Đây được gọi là “Giới hạn Hayflick” hay còn được gọi là “Chương trình chết của tế bào”.
Tóm lại:
Thông qua cơ chế hoạt động của Telomere ở trên tế bào thì giáo sư Hayflick đã đưa ra nhận định rằng: Khả năng tái tạo hạn chế của tế bào liên quan đến sự lão hóa trong tế bào. Nghĩa là càng phân chia, tăng sinh tế bào thì tế bào càng già, càng yếu, càng lỗi. Từ đó dẫn đến sự lão hóa của con người.
Vậy theo tính chất bắc cầu: Retinol thúc đẩy nhanh quá trình tăng sinh tế bào sẽ dẫn tới giới hạn phân chia của tế bào sớm hơn và làm cho da bị lão hóa nhanh hơn? Xoắn não chưa các Đồng Điệu?
II/ Giải đáp của Trang: Có nên dùng Retinol lâu dài không vì lo sợ dẫn đến giới hạn Hayflick
– Thứ nhất, mục tiêu của Retinol nói riêng hay nhóm Retinoids nói chung là TẾ BÀO GỐC của da.
Tức là Retinol giúp tăng sinh tế bào mới thông qua truyền tín hiệu thẳng đến tế bào gốc để kích thích hoạt động tế bào phân chia của loại tế bào gốc này.
Có nhận định cho rằng các tế bào gốc đã có enzyme Telomerase (có tác dụng làm giảm quá trình bào mòn cấu trúc telomere ở một số tế bào) nên sẽ bảo vệ Telomere cực tốt, làm Telomere không bị ngắn lại.
=> Do đó, Giới hạn Hayflick không quyết định, ảnh hưởng đến được việc phân chia của tế bào gốc.
Ngoài lề một chút, Enzyme Telomerase được phát hiện từ năm 1984 bởi 2 nhà sinh học nữ. Cũng nhờ phát hiện này mà đến 2009, họ đã được trao giải giải Nobel Y học cùng với một nhà khoa học nam nữa.
Tuy nhiên, enzyme Telomerase cũng có mặt trái của nó. Khi hoạt động quá độ, nó cũng sẽ khiến tế bào ung thư gần như trở nên bất tử. Chúng sẽ phân chia vô cùng tận mà không sợ Telomere bị ngắn đi. Thế nên người ta mới nói ung thư hiện tại dường như không có khả năng chữa trị hoàn toàn.
Có một cách lý giải mở rộng nữa mà Trang đồng tình hơn. Vì khi nói về tế bào gốc như trên thì còn khá rộng. Trong khi đó, enzyme Telomerase chỉ hoạt động mạnh mẽ ở tế bào gốc phôi (loại tế bào gốc toàn năng nhất). Tức là khi chúng ta còn ở phôi thai. Bởi vậy, từ khi ở phôi thai, chúng ta đã cố thể phân chia tế bào liên tù tì để hình thành nên cơ thể con người mà không sợ bị giới hạn Hayflick.
Nhưng đến khi được sinh ra thì enzyme Telomerase không còn hoạt động mạnh mẽ nữa (trừ ở tế bào ung thư). Nên thực chất đến tế bào gốc của da gần như không thể tìm thấy enzyme Telomerase nữa.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải lo vì cơ thể vốn kỳ diệu lắm các Đồng Điệu ạ. Dù tế bào gốc (ở da) lúc này không có enzyme Telomerase nhưng nó có cơ chế tự bảo vệ bằng cách ngăn chặn việc nhân lên của tế bào bị lỗi. Nên những tế bào gốc có Telomere bị ngắn lại sẽ không thể tăng sinh. Thay vào đó các tế bào gốc khỏe mạnh sẽ được chọn lọc để phân chia. Thế nên bạn yên tâm, việc sửa chữa đã được ngăn từ trong trứng nước.
Và đương nhiên, đến một thời điểm, tế bào gốc đẻ ra tế bào con. Các tế bào con lại tiếp tục phân chia ra các tế bào con khác. Dần dần đến một thời điểm, nó vẫn sẽ đạt đến giới hạn Hayflick. Và không chỉ có giới hạn Hayflick, tế bào còn bị tổn thương/ già đi bởi rất nhiều lý do đặc biệt là gốc tự do. Thế nên mới có sinh lão bệnh tử chứ?
Nhưng NHẤN MẠNH LÀ Retinol không tập trung làm các tế bào con này phân chia nhanh hơn (ít nhất là tới thời điểm hiện tại chưa có nghiên cứu chứng minh). Nhưng chúng ta có thể yên tâm là khi Retinol kích thích tế bào gốc tăng sinh tốt hơn thì chúng ta sẽ có nhiều tế bào con lứa đầu khỏe mạnh hơn để thay thế cho các tế bào đạt giới hạn Hayflick. Thế nên mới có chuyện, dùng Retinol giúp trẻ hơn.
Thứ 2, Retinol giúp luân chuyển tế bào và thúc đẩy quá trình sừng hóa chứ không làm tế bào chết theo chương trình.
Quá trình này khác với quá trình chết theo chương trình/Tự hủy của tế bào.
(Việc Trang nhắc tới 2 quá trình này để mọi người không bị nhầm lẫn khi nghe tác dụng của Retinol là giúp thúc đẩy quá trình sừng hóa lại nghĩ nó sẽ khiến tế bào chết theo chương trình như khi diễn ra giới hạn Hayflick)
Cụ thể:
QUÁ TRÌNH SỪNG HÓA CỦA TẾ BÀO (cornification)
Sừng hóa thì tế bào sẽ được luân chuyển dần lên trên bề mặt da và bong đi một cách tự nhiên.
– Lớp đáy: tạo bởi một hàng tế bào khối vuông hoặc trụ nằm trên màng đáy. Chúng có khả năng sinh sản mạnh, các tế bào mới di chuyển lên các lớp phía trên làm biểu bì luôn được đổi mới, trung bình từ 20 – 30 ngày. Dưới kính hiển vi điện tử, trong bào tương của các tế bào này có chứa các tơ trương lực (tonofilament-sợi tiền keratin), các sợi đó được tập hợp thành keratin khi tế bào chuyển lên lớp thứ hai.
– Ở lớp gai, các tế bào sừng tách ra khỏi màng đáy và bắt đầu phân bào biệt hóa. Các tế bào phẳng dần ra và xuất hiện protein chuyên biệt hóa như keratin 1 và 10.
– Lớp hạt của biểu bì được đặc trưng bởi sự hiện diện của các hạt keratohyalin. DNA bị suy thoái, các bào quan bị phá hủy, và màng sinh chất được thay thế bằng lớp vỏ sừng hóa và lắng đọng ceramide (nghe quen quen khum, chúng ta hay bôi Niacinamide hoặc trực tiếp Ceramide để củng cố hàng rào bảo vệ đó. Trong da tự nhiên thì nó bắt đầu xuất hiện rõ rệt ở lớp này).
– Lớp sừng bao gồm các tế bào chết. Các tế bào không bị tế bào Langerhans thực bào loại bỏ mà bị thải ra môi trường trong quá trình bong vảy.
QUÁ TRÌNH CHẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH/ TỰ HỦY CỦA TẾ BÀO (apoptosis)
Trong khi đó, quá trình chết theo chương trình là tế bào bị tổn thương DNA do không được Telomere bảo vệ rồi xảy ra quá trình thực bào. Tức là chính tế bào miễn dịch trong cơ thể chúng ta sẽ tới ăn tế bào bị tổn thương và xử lý bên trong cơ thể chứ không để thoát ra bề mặt da.
– Quá trình này bắt đầu bằng việc caspase (đóng vai trò quan trọng trong quá trình chết của tế bào) được kích hoạt và các tế bào bắt đầu chảy máu.
– Sau đó, chất nhiễm sắc và tế bào chất trải qua quá trình ngưng tụ và xảy ra sự phân cắt DNA trong nhân tế bào. Khi đó, bộ xương tế bào bị phá vỡ và tế bào nhân thành các apoptotic.
– Tổn thương bào quan dẫn đến giải phóng các phân tử (như cytochrome c) từ ti thể vào bào tương. Ngược lại, màng sinh chất vẫn còn nguyên vẹn, tránh việc rò rỉ tế bào chất ra môi trường.
– Cuối cùng, các apoptotic bị thực bào và thoái hóa bên trong lysosome (một bào quan của các tế bào nhân thực).
– Thứ 3, Retinol có khả năng làm trẻ hóa da.
Như Trang đã viết trong bài “Chỉ vì tác dụng phụ của retinol mà cai retinol, anti retinol?” thì Retinol còn có khả năng trẻ hóa, làm dày lớp trung bì nhờ tăng sinh collagen type 1 và 3. Đây là 2 loại collagen quan trọng trọng da.
Mô tả thêm một chút về cơ chế tác động của Retinol khi lên da:
– Khi Retinol được apply lên da, chúng sẽ phải gắn được vào thụ thể RAR trong nhân tế bào. Từ đây, Retinol giúp kích hoạt phức hợp thụ thể RAR/ RXR.
– Và nhờ tiếp xúc được với thụ thể của nhân tế bào nên sẽ làm mở ra hàng loạt những phản ứng tổ hợp, trong đó có phản ứng liên quan đến việc kích hoạt các yếu tố phiên mã.
– Các Đồng Điệu cứ hiểu đơn giản là thông qua các yếu tố phiên mã này, những yếu tố tăng trưởng biểu bì như là HB-EGF hay EGF-R sẽ được kích thích rất nhiều và từ đây sẽ lại giúp tăng sinh tế bào biểu bì.
– Từ đó làm cho lớp biểu bì da của chúng ta dày lên, tế bào mới sẽ được kích thích sản sinh liên tục và sẽ khiến cho các tế bào sừng dễ dàng bong ra ngoài.
Và đương nhiên khi mà tế bào sừng được bong ra một cách dễ dàng thì lỗ chân lông của chúng ta cũng được thông thoáng, nhân mụn cũng được trồi lên trên dễ dàng. Đặc biệt, lớp biểu bì mới sẽ giúp làn da của chúng ta được tươi trẻ hơn.
Chưa kể, xét về mặt thực tế:
Retinol đã được phát hiện từ năm 1909, được phân lập thành công vào 1931 và bắt đầu được sử dụng từ năm 1947. Cho đến nay đã gần 1 thế kỷ. Nếu thực sự có hiện tượng làm cho tế bào bị nhanh chóng đi tới giới hạn phân chia thì chắc chắn sẽ phải có những nghiên cứu lâm sàng hay các tài liệu có căn cứ khoa học thực nghiệm để nói về vấn đề này.
Nhưng thực tế bạn sẽ thấy, Retinol được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm và đã được chứng minh về hiệu quả lâm sàng giúp da được trẻ hóa tốt hơn, có những người đã dùng Retinol hàng chục năm và công nhận về khả năng ngăn ngừa nếp nhăn và duy trì sự trẻ trung cho làn da của họ.
Nên các Đồng Điệu cứ yên tâm sử dụng Retinol lâu dài ngheng. Dùng đến bao giờ có nghiên cứu phản biện thì hãy lo. Hy vọng lúc đó chúng ta đã ngoài 70, có sai thì cũng chẳng còn gì để tiếc nuối nữa :))
Tóm lại:
Trang viết bài này có phần học thuật và khó nhai này là để mọi người hiểu hơn rằng không phải tự nhiên mà Retinol được mệnh danh là hoạt chất vàng trong làng skincare đâ. Retinol thực sự có thể tác động tinh vi vào da của chúng ta.
Tuy nhiên, hãy lựa chọn một chai Retinol đáng đồng tiền bát gạo. Bởi vì Retinol thực chất rất dễ bị oxy hóa khi bị tiếp xúc với không khí, ánh sáng. Vì vậy, bạn hãy thử lựa chọn Biogenic Retinol của Twins Skin nhé.
Tụi Trang vừa đựng Retinol ở trong chai chân không giúp bảo quản Retinol rất kỹ càng; lại vừa ứng dụng công nghệ bọc sinh học tương thích rất tốt với da, có thể đi sâu vào da và phát huy hiệu quả. Không những sản phẩm có thể giúp bạn chống già, chống nhăn mà còn giúp giảm mụn cực kỳ hiệu quả.
Sau cùng, Trang thực sự thích những câu hỏi có tính lật ngược vấn đề như vậy. Biển học là bao la mà. Và khi chúng ta cứ hoài nghi tích cực thì chúng ta sẽ có thêm câu trả lời. Đó thực sự mới là bản chất của khoa học. Kiến thức là thứ để chúng ta chia sẻ, học hỏi để gần gũi với nhau hơn chứ không phải để sát thương cãi vã và phân biệt đẳng cấp. Nên Trang cũng rất mong nhận được sự bàn luận của các Đồng Điệu về chủ đề này.
Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!