Vì sao không nên đánh giá kem chống nắng khi chỉ dựa trên màng lọc?

Chào các bạn, mình là Cô Phong Hóa Cọc – hay bị cọc nhưng thích dạy hóa!
Học trò của mình – bé Đinh Tùng Phong cũng đã có 1 nội dung trong group Đồng Điệu nói về chuyện “màng lọc kem chống nắng có quan trọng cho da treatment?”. Vậy nên, hôm nay Cô sẽ cho ra một chủ đề để phân tích kỹ hơn, trong 1 công thức kem chống nắng sẽ có những gì quan trọng hơn cả màng lọc?

1. Màng lọc

Màng lọc là linh hồn của 1 chai kem chống nắng, dù rằng nó chỉ chiếm 10-20%. Theo đó, chúng sẽ có nhiệm vụ để hấp thụ các tia UV. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng không có 1 màng lọc nào là đáp ứng hoàn hảo các tiêu chí:
– Hấp thụ tia UV tốt
– Ngăn được bước sóng rộng UVB-UVA2-UVA1
– Không có nhược điểm về mặt thẩm mỹ, lẫn khó khăn khi bào chế
– Trải nghiệm tiêu dùng ngon
Đa phần là toàn được cái này mất cái kia, ví dụ:
+ Avobenzone: Hấp thụ tia UVA mạnh, nhưng lại kém ổn định, dễ bị phân hủy và tạo thành các gốc tự do có hại cho da, gây vàng áo. Vậy nên muốn Avobenzone trở nên bền bỉ, thì phải dùng thêm màng lọc ETHYLHEXYL METHOXYCRYLENE (cùng dòng họ với Octocrylene).
+ ZnO & TiO2: Bước sóng phổ rộng lại dễ làm da bị nâng tone quá đà nếu xài nhiều, thêm cả việc độ hấp thu tia UV không được mạnh mẽ.
+ Thậm chí, ngay cả màng lọc tiên tiến như Tinosorb S cũng sẽ bị lọt thỏm ở vùng UVB, nhà bào chế cũng phải thêm những màng lọc chống UVB như Uvinul T 150, Uvinul A Plus để bù lại phần bị lọt thỏm đó.
→ Chính vì thế, người bào chế kem chống nắng phải phối trộn với nhiều màng lọc có đặc tính vật lý lẫn hóa học khác nhau để giải quyết những bài toán trên.
Màng lọc chống nắng
Nhưng đó mới chỉ là 20% trong chai kem chống nắng. Thực chất, còn rất nhiều thành phần khác trong 1 chai kem chống nắng mà bạn không để ý đến giúp tăng chỉ số SPF cho công thức.
Phong cũng đã có ngâm cứu nhiều hơn trong những buổi thực hành khuấy kem chống nắng. Nhiều khi, dù chọn màng lọc tốt cỡ nào, nhưng thiếu đi những chất phụ gia khác thì cũng đủ để khiến cho chai kem chống nắng đó trở nên thất bại. Và những chất phụ gia khác sẽ bao gồm:
– Hạt tán xạ
– Chất tạo màng, chất cố định màng
– Chất tạo cảm giác
Và còn ti tỉ những thứ khác mà mình không list ra hết được, nhưng đây là những thứ mà cần phải có.
Cấu tạo một chai kem chống nắng gồm có gì

2. Chất tán xạ trong kem chống nắng

Để làm gì? Hạt tán xạ sẽ lấp vô những khoảng trống và tăng tỉ lệ gặp nhau giữa màng lọc chống nắng vs tia UV.

Tại sao cần phải lấp vô khoảng trống kể trên? Vì giữa các phân tử màng lọc chống nắng sẽ luôn có 1 khoảng cách nhất định tia UV sẽ lọt qua các khoảng cách đó. Nên dù có dùng màng lọc có chống UV mạnh tới mức nào, mà chỗ mạnh chỗ không thì là mạnh ai nấy sống.
Các thành phần hạt tán xạ này có thể nhận biết bằng cách nào?
Chúng sẽ được biểu thị dưới những hạt polymer, ví dụ như styrene/acrylates copolymer – là loại thông dụng nhất để tán xạ tia UV, tăng tỉ lệ gặp nhau giữa màng lọc chống nắng vs tia UV. Còn nhiều loại khác mà mình chưa update kiến thức lên kịp.
Nhưng nhìn chung, đây là một cái công nghệ khá phổ biến mà các hãng chống nắng lớn vẫn còn sử dụng.
Thậm chí, một số màng lọc vô cơ như TiO2, ZnO hoặc hữu cơ như Bisoctrizole (Tinosorb M) thì thật ra trong nhiều công thức nó đồng thời đóng vai trò là hạt tán xạ để boost, khuếch đại hiệu suất chống tia UV cho các màng lọc khác. Nhưng sau này, họ thu về kích thước nano để chúng được phân bố kín hơn cho các khoảng trống nhỏ, tăng khả năng bảo vệ.
Hạt tán xạ trong kem chống nắng

3. Chất tạo màng trong kem chống nắng

Thực tế thì tạo màng nó có nhiều loại, nhưng vấn đề cốt lõi của chất tạo màng là giúp các màng lọc UV được dàn trải đều trên bề mặt da, tránh bị tụ lại ở những chỗ có vùng trũng trên bề mặt da.
Chính vì vậy, việc thêm công nghệ tạo màng này vào công thức sẽ cải thiện đặc tính lưu biến của kem chống nắng, để chất kem được dàn trải đều trên những chỗ cao lẫn thấp, không bị tụ lại 1 chỗ thấp theo thời gian.
Thậm chí, để gia cố cho tấm màng này được vững chắc, một số chất cố định màng có đặc tính cực ghét nước, rất thích dầu được thêm vào để kem chống nắng trở nên lâu trôi hơn. Vô tình sinh ra công nghệ chống thấm nước trong kem chống nắng mà rất nhiều hãng đang sử dụng.
Nói chung, những thành phần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chống nắng rất là nhiều, chứ không riêng gì màng lọc.
Chất tạo màng trong kem chống nắng

4. Chất tạo cảm giác và cố định trong kem chống nắng

Một số kem chống nắng khi bôi thoa lên da sẽ có những hiệu ứng trình diễn nhất định như cảm giác bột khi bôi thoa lên da. Cảm giác này chủ yếu đến từ thành phần Silica (có trong 1 số kem chống nắng dạng dry touch).
Với đó, bề mặt của hạt Silica có những lỗ xốp, lởm chởm, tạo ra đặc tính hút dầu khá tốt. Vì vậy, sản phẩm thường có thành phần này ở gần đầu bảng thành phần (trong top 5-10) thì sẽ tạo ra hiệu ứng trình diễn kiềm dầu khá oke, không tin thì mấy bạn cứ để ý.
Nhưng nhiệm vụ của Silica nó không dừng ở đó. Cũng nhờ cấu tạo bề mặt của hạt silica xốp, các phân tử kem chống nắng có thể bám vô được vào lỗ xốp đó, giúp tránh sự phân hủy các màng lọc quá sớm, tăng khả năng bền quang hơn, cũng như hạn chế được kích ứng ở một số làn da nhạy cảm khi bôi chống nắng có chứa màng lọc hữu cơ.

5. Lời kết

Nhìn chung, một bảng thành phần kem chống nắng sẽ có rất nhiều thành phần khác nhau chi phối đến độ chống nắng. Mình đồng ý rằng “chuyện đọc bảng thành phần nó quan trọng, nhưng không là tất cả” – trích từ Là Trang. Nhưng, chúng ta cũng không nên đánh giá mức độ hiệu quả của một công thức thông qua INCI Name của chúng, đặc biệt là kem chống nắng, khi chỉ săm soi vô màng lọc chống nắng.
Bởi, đằng sau INCI Name đó, các nhà sản xuất nguyên liệu bào chế ra thành phần đó như thế nào thì chúng ta không biết! Có nguồn nguyên liệu thì bị dính tạp chất, có nguồn nguyên liệu thì lại cho ra hiệu quả cao khi sử dụng. Nói chung, Cô sẽ cố gắng làm nhiều nội dung hơn để giải mã các bí ẩn này cho mọi người được phổ cập hơn nhé!

À, do Phong đang xây dựng thương hiệu cá nhân, có gì ông đi qua, bà đi lại, cho Phong xin 1 follow, xem như là động lực để tiếp tục chia sẻ những nội dung về mỹ phẩm mang tính chuyên môn hơn nhé!

Bản quyền sở hữu thuộc Đinh Tùng Phong và Đồng Điệu
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here