Người châu Á peel da trị nám được không?

Xem clip tóm gọn nội dung ở ĐÂY:

@latrang.co

Da nám không được peel? Một chút phản biện của Trang với bác sĩ Hồng Mập. Hi vọng từ đó cuộc hội thoại về peel da nám được mở rộng hơn. #latrang #nám #peelda #goclamdep #beautytok

♬ nhạc nền – Là Trang – Là Trang

Trang đề cập chủ đề “Người châu Á peel da trị nám được không?” là vì gần đây Trang lướt TikTok và thấy bác sĩ Hồng Mập có đưa ra quan điểm: “Da nám không bao giờ được peel”.

Đến cả bác sĩ còn nói như vậy thì Trang nghĩ chắc các bạn da nám sẽ hoang mang lắm đây.

Nhưng các bạn yên tâm, Trang có một thông tin tốt cho các bạn đây.

Với những kiến thức mà Trang đã học được, cả sự trải nghiệm thực tế trên hàng nghìn case da, cùng sự trao đổi chuyên môn với các bác sĩ da liễu mà Trang làm việc cùng, thì Trang có một góc nhìn khác.

Do đó, trong bài viết này, Trang sẽ mở rộng cuộc hội thoại về vấn đề peel da nám châu Á, cụ thể hơn là peel da nám cho người Việt Nam.

Và Trang cũng xin nhấn mạnh rằng Trang không viết bài này để cố gắng chỉ ra ai đúng ai sai trong trường hợp này cả.

Chỉ đơn giản, Trang muốn cung cấp thêm cho các bạn một góc nhìn khác, để từ đó các bạn có thể tự do ra quyết định xem làn da nám của mình liệu có nên peel hay không.

Với góc nhìn của Trang từ lý thuyết đến thực nghiệm, việc nói “da nám của người châu Á peel không được” là chưa đủ thuyết phục.

Và đương nhiên Trang sẽ phân tích vấn để cả về lý thuyết và thực nghiệm để làm rõ quan điểm của mình.

I/ Xét về mặt lý thuyết

Trước tiên, các bạn có thể quan sát thang đo Fitzpatrick bên dưới. Đây là thang đo mà bác sĩ da liễu rất hay dùng để tiên lượng khả năng tăng sắc tố của bệnh nhân sau khi thực hiện các liệu pháp như là peel, laser…

thang-do-fitzpatrick-peel-da-tri-nam-1

Nhìn vào bảng trên, bạn có thể thấy 2 thuật ngữ chủ yếu được dùng để miêu tả đặc điểm của các cấp độ da là TAN và BURN. Trang giải thích chúng một cách đơn giản như sau:

  • TAN tức là sạm, đồng nghĩa với khả năng tăng sắc tố của da.
  • BURN tức là cháy, đồng nghĩa với da bị cháy nắng, phồng rộp, đỏ rát khi tiếp xúc với tia UV.

Da của người châu u thuộc tuýp 1 và tuýp 2, rất dễ bị bỏng nắng nhưng gần như lại rất khó để tăng sắc tố. Do đó, họ có thể peel da nám “tẹt ga” từ cấp độ nông, trung bình cho đến sâu.

cac-cap-do-peel-da-tri-nam-1

Mặt khác, da của người châu Á chúng ta thuộc tuýp 3 và 4, thêm một chút ở tuýp 5 (vì có một nhóm da người Ấn Độ rơi vào khoảng này).

– Da thuộc tuýp 4 và 5 rất dễ gặp tình trạng tăng sắc tố. Nên hầu hết những bác sĩ mà Trang biết họ đều sẽ không sử dụng các liệu pháp peel cho nhóm da này.

– Tuy nhiên, da thuộc tuýp 3 thì chỉ thi thoảng tăng sắc tố. Mà da của người Việt Nam lại rơi vào nhóm này rất nhiều.

Do đó, với những người da thuộc tuýp 3 (cỡ như Trang) thì vẫn peel được, thậm chí là cho kết quả tốt. Điểm khác biệt ở đây là chúng ta chỉ hạn chế thành phần peel và cấp độ peel so với người châu Âu.

Mở rộng:

Trang sẽ phân tích thêm một chút cơ sở khoa học để chỉ ra tại sao lại có sự khác biệt giữa các tuýp da trên. Thật ra, điểm mấu chốt đến từ quá trình tạo sắc tố. Sẽ có một vài yếu tố khác nhau giữa các sắc tộc.

Nhưng để hiểu được điều này, trước hết bạn cần hiểu rõ cơ chế sinh nám diễn ra như thế nào.

Cơ chế sinh nám – Quá trình tạo sắc tố

Việc sinh nám sẽ bắt đầu từ tế bào mẹ Melanocyte nằm ở lớp đáy của lớp thượng bì. Bạn cứ tưởng tượng Melanocyte giống như một nhà máy tạo sắc tố.

qua-trinh-hinh-thanh-nam-1

Tương tự với việc trong nhà máy phải có máy móc thì trong Melanocyte cũng có chứa một cơ quan nội bào mang tên Melanosome.

Mà để cho “máy móc” có thể hoạt động được thì chúng ta cần phải có “nguồn nguyên liệu”. Thế nên ở trong Melanosome lại có chứa một loại men tên là men Tyrosine.

Khi mà men Tyrosine bị kích hoạt càng mạnh mẽ, thì Melanosome sẽ càng sản sinh ra nhiều sắc tố Melanin.

Trên cơ sở này, bạn có thể hiểu cứ mỗi khi “máy móc” hoạt động quá năng suất thì da của chúng ta sẽ có những tình trạng tăng sắc tố như nám, thâm mụn.

Tuy nhiên, bạn đừng vội ghét bỏ nó vì thật ra nó chỉ đang tìm cách bảo vệ chúng ta da thôi.

Bây giờ mình xét riêng về cái thằng Melanosome. Cơ quan nội bào này có tới 2 loại máy móc, đó là:

  • Eu melanosome: Có khả năng sản sinh ra sắc tố Eumelanin, tức là sắc tố có màu nâu đen.
  • Pheo Melanosome: Có khả năng sản sinh ra sắc tố Pheomelanin, tức là sắc tố có màu đỏ vàng.

qua-trinh-hinh-thanh-hac-to-1

Sau khi “hàng hóa” sắc tố Melanin được sản xuất xong, những anh shipper mang tên xúc tua Dendrites sẽ xuất hiện và mang những chiếc túi Melanosome chứa đầy sắc tố Melanin đi đến điểm giao hàng sau cùng tại tế bào tiền sừng Keratinocyte và đậu ở nhân tế bào.

Theo quá trình phân bào, biệt hóa của Keratinocyte, thì dần những túi Melanosome nó cũng sẽ thoái hóa.

Sau đó, Melanosome sẽ giải phóng Melanin ra bên ngoài và nhuộm màu bề mặt da. Sự nhuộm màu này chúng ta dễ nhìn thấy bằng mắt thường.

Quay lại nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa các loại da.

Các nhà khoa học khi quan sát quá trình tạo sắc tố (như Trang đã phân tích ở trên) của các sắc tộc, họ phát hiện ra số lượng tế bào mẹ Melanocyte là giống nhau. Lượng tế bào Pheomelanin đỏ vàng cũng giống nhau.

Chỉ có sự khác nhau ở số lượng Eumelanin (sắc tố nâu đen) và kích thước của túi Melanosome. Kích thước càng bé thì càng đựng được ít Melanin.

Và người châu Âu với tuýp da 1 và 2, có kích thước túi Melanosome bé hơn. Đồng thời, lượng Eumelanin màu nâu đen ở trên lớp biểu bì ở da họ cũng được cho là ít hơn so với người châu Á mình.

Nên da người châu Âu rất khó tăng sắc tố.

II/ Xét về mặt thực nghiệm lâm sàng

Những bác sĩ mà Trang tham khảo ý kiến, họ đều vẫn đang áp dụng phương pháp peel da nám cho bệnh nhân của mình nếu phù hợp. Vậy như thế nào là phù hợp?

Tức là họ sẽ peel da thuộc loại nám thượng bì, không peel da thuộc loại nám trung bì (nám thượng bì và nám trung bì là gì thì Trang sẽ chia sẻ trong một bài viết khác nhé).

Bởi vì đối với da thuộc loại nám trung bì ở người châu Á, việc sử dụng phương pháp peel sẽ rất rủi ro và kém hiệu quả.

Nói về cấp độ peel, các bác sĩ sẽ chọn peel từ rất nông đến nông, không peel trung bình đến sâu.

Và thành phần thường được dùng để peel là AHA (đặc biệt là Glycolic Acid) ở nồng độ từ 25 hay 30 cho đến khoảng 70%. Bởi vì AHA có khả năng phân tán sắc tố.

Và Trang thấy rất ít bác sĩ sử dụng phương pháp chấm TCA (*) ở nồng độ cao. Thậm chí, cả chấm TCA ở nồng độ thấp, họ cũng rất cân nhắc.

Bởi vì TCA sẽ phù hợp với tình trạng sẹo hơn, đặc biệt là sẹo đáy nhọn.

cac-loai-seo-1

Còn việc sử dụng TCA cho da nám cũng rất dễ gặp rủi ro nên bác sĩ muốn sử dụng phương pháp này thì phải hỏi bệnh nhân rất kỹ về tiền sử có tăng sắc tố hay không.

(*) Chấm TCA: là phương pháp sử dụng Axit Trichloroacetic với nhiều nồng độ khác nhau để cải thiện các tình trạng da như sẹo, nám…

III/ Kết luận: người châu Á peel da trị nám được không?

Tóm lại, Trang có 4 ý muốn chốt lại cho các bạn như thế này:

Thứ nhất, da nám ở Việt Nam vẫn có trường hợp có thể peel rất tốt. Thế nên các bạn phải tự cá nhân hóa, trao đổi cụ thể với bác sĩ xem tình trạng da của mình có hợp để peel hay không.

Thứ hai, mỗi bác sĩ sẽ có những quan điểm điều trị khác nhau. Do đó, sẽ có bác sĩ chọn peel cho da nám, sẽ có những bác sĩ không chọn.

Thứ ba, với tình trạng nám, các bạn sẽ có những liệu trình dài hơi với nhiều phương pháp. Chẳng hạn như peel thì Trang thấy các bác sĩ sẽ kết hợp với meso, điện di, đồ bôi ở nhà…

Thế nên, ngay từ đầu các bạn hãy thảo luận với bác sĩ xem mình có đủ sức để theo cả một liệu trình hay không, tránh việc đẽo cày giữa đường, tốn tiền của lẫn thời gian, công sức.

Thứ tư, góc tâm linh :)) Peel da trị nám cũng như rất nhiều phương pháp khác. Có người phù hợp, có người không phù hợp.

Thế nên, vạn sự tùy da. Quan trọng nhất là hãy giữ tinh thần vui vẻ. Khi vui, da cũng sẽ đỡ nám :)))

Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here