Mồ hôi và câu chuyện mùi hương

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao cơ thể chúng ta lại đổ mồ hôi khi trời nóng, bị gọi tên kiểm tra 15 phút đầu giờ sợ toát mồ hôi.

Tại sao lúc cơ thể có mùi dễ chịu,có lúc lại không dễ chịu cho lắm và làm thế nào để khắc phục nhỉ?

Đây là vấn đề khá tế nhị nên chúng ta thường ngại chia sẻ nhưng trong quá trình làm việc, tư vấn mình thấy rất nhiều khách hàng nhầm lẫn trong việc làm sạch cũng như lựa chọn sản phẩm phù hợp để có cơ thể thơm mát.

1. Giới thiệu tuyến mồ hôi

Tuyến mồ hôi nằm ở tầng trung bì song song với tuyến bã nhờn. Vị trí gồm nhiều rất nhiều mạch máu, dây thần kinh, sợi collagen, elastin, fibroblast nguyên bào sợi, ma trận ngoại bào…

Tuyến mồ hôi gồm 2 tuyến:

  • Tuyến mồ hôi eccrine (tuyến mồ hôi nước): dạng hình ống (dài khoảng 5mm), một đầu cuộn tròn, xoắn ốc nằm ở trung bì sâu, đầu còn lại được dẫn mở thông qua một kênh dẫn đến lỗ chân lông rồi lên trên bề mặt da. Tuyến mồ hôi ngoại biên trải rộng trên toàn bộ cơ thể, nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân, da đầu, ít nhất ở thân và tứ chi.

Thành phần chính của mồ hôi chứa 99% nước, muối khoáng (NaCl), Kali, axit lactic, urea, axit pyruvic, ammoniac. Ngoài ra trong mồ hôi còn có một lượng nhỏ axit uric, axit urocanic và một số nguyên tố vi lượng như Ca, Mg, Cu, Fe… Các chất này là những nhân tố giữ ẩm tự nhiên của làn da (NMF). Độ pH của mồ hôi từ 4 – 6.8 (tính axit).

Lượng mồ hôi tiết ra phụ thuộc nhiều yếu tố như mật độ tuyến mồ hôi, hoạt động thể chất, thời tiết, hormones, tình trạng bệnh lý (ví dụ: sốt cao)… Nếu tuyến mồ hôi hoạt động hết công suất,chúng ta có thể mất hơn 3 lít nước mỗi giờ. Chính vì vậy việc bổ sung nước cho cơ thể hết sức cần thiết bởi khi mất một lượng lớn nước và chất điện giải cơ thể suy kiệt, nguy hiểm tính mạng.

  • Tuyến mồ hôi apocrine (tuyến mồ hôi dầu): khác với tuyến mồ hôi nước, tuyến mồ hôi dầu có mặt ở một số vị trí nhất định trên cơ thể. Chúng được tìm thấy ở nách, tai, mí mắt, núm ngực, lỗ rốn và khu vực bộ phận sinh dục.

Hình dáng của tuyến mồ hôi này tương tự như tuyến mồ hôi nước nhưng thay vì tiết mồ hôi trực tiếp trên bề mặt da, chúng đổ mồ hôi vào ống của nang lông (nằm ở điểm mở ra của tuyến bã nhờn). Vì vậy mồ hôi ở những khu vực này sẽ đặc hơn, độ pH nghiêng về tính kiềm (6.2 – 7.5). Chúng chứa amoniac, steroids, protein, các chất béo như squalene, glyceride, axit béo, cholesterol, pheromone.

Tuyến mồ hôi dầu chỉ bắt đầu hoạt động khi bước vào tuổi dậy thì do sự thay đổi nội tiết. Chúng thường được kích hoạt khi có những kích thích về mặt cảm xúc.

2. Vai trò của tuyến mồ hôi

Hai tuyến mồ hôi này đóng góp những vai trò khác nhau trong bộ máy vận hành thông minh.

  • Tuyến mồ hôi nước: vai trò chủ yếu giúp cân bằng, giảm nhiệt độ cơ thể bằng cơ chế bay hơi và mất nhiệt do bay hơi. Chúng cũng có khả năng bài tiết đào thải (các cậu có nhớ ăn cháo hành tía tô để giải cảm của các mẹ không). Một vai trò hết sức quan trọng khác là ổn định lớp axit của da, tránh sự tấn công của tác nhân gây hại từ bên ngoài và vi khuẩn gây bệnh.
  • Tuyến mồ hôi dầu: không đóng vai trò điều hòa thân nhiệt, chúng đáp lại những kích thích cảm xúc (yêu, ghét, tức, giận…) đồng thời tạo mùi hương riêng của từng cá nhân.

Hai tuyến mồ hôi này đều giảm dần theo độ tuổi và chế độ ăn uống ảnh hưởng không nhỏ đến mùi hương của cơ thể.

Cơ chế gây mùi cơ thể

3. Sản phẩm khử mùi và sự khác nhau giữa các sản phẩm

Thực tế mồ hôi của chúng ta trước khi được bài tiết hoàn toàn không có mùi. Khi tiếp xúc với không khí bên ngoài, các protein, axit béo, squalene… dễ dàng bị oxy hoá (như clip giải thích kiềm dầu của chị Là Trang) đồng thời là miếng mồi béo bở của các vi khuẩn sẽ gây mùi không mấy dễ chịu.

Để giải quyết vấn đề tế nhị khó nói này, ngành công nghiệp mỹ phẩm bày bán các sản phẩm tạo hương thơm và hạn chế sự làm việc quá độ của tuyến mồ hôi.

  • Deodorant:

Là sản phẩm giúp trung hòa mùi cơ thể nhờ các thành phần tạo hương bằng cơ chế ức chế hoạt động lên men của vi khuẩn. Các vi khuẩn cư ngụ trên bề mặt da, chủ yếu là vi khuẩn Gram + sinh ra enzyme có khả năng biến đổi thành phần của mồ hôi gây mùi khó chịu. Một số sản phẩm bổ sung thành phần sát trùng, kháng khuẩn ví dụ như cồn khô, ethyhexylglycerin, octenidine, kẽm,…

  • Anti – transpirant: 

Sản phẩm có hoạt chất chính là muối nhôm (aluminum chlorohydrate, aluminum sesquichlorohydrate, aluminumzirconium pentachlorohydrate, aluminum chloride…) và thành phần tạo hương.

Phân tử muối nhôm phản ứng với nước trong tuyến mồ hôi cùng với các tế bào sừng (corneocytes) tạo thành những nút thắt giúp tuyến mồ hôi được nghỉ ngơi đồng thời “tạm ngừng” hoạt động. Nhóm thành phần tạo hương sẽ giúp át đi mùi cơ thể.

Nhìn chung sản phẩm phù hợp với những bạn tiết mồ hôi từ ít đến trung bình. Nếu buổi sáng các bạn vẫn thấy khó chịu, thiếu khô ráo làm sạch cơ thể và sử dụng anti – transpirant giống như routine buổi tối.

  • Detranspirant:

Là sản phẩm điều trị bệnh nhân gặp tình trạng tiết mồ hôi quá độ (hyperhidrose). Thông thường người dùng thấy kết quả sau 2 – 5 ngày (tuỳ tình trạng). Khi mới điều trị có thể sử dụng sản phẩm 1 lần/ngày vào mỗi buổi tối (cảm nhận khu vực da bạn sử dụng để điều chỉnh liều lượng phù hợp).

Nếu thấy hiệu quả giảm tần suất 2 – 3 lần/tuần. Khá nhiều bạn duy trì sản phẩm liên tục khiến vùng da dưới cánh tay bị nhạy cảm, đỏ rát. Bởi vì phân tử nhôm nằm trên bề mặt da, bị rửa trôi trong quá trình làm sạch nên việc ngừng sản phẩm điều trị tình trạng tăng tiết hoàn toàn có thể quay trở lại.

các sản phẩm khử mùi cơ thể

4. Cách sử dụng sản phẩm khử mùi hiệu quả

Sử dụng các sản phẩm khử mùi sao cho đạt hiệu quả tốt nhất không phải ai cũng biết. Rất nhiều khách hàng của mình thường lựa chọn sai sản phẩm hoặc sử dụng không đúng thời điểm.

Để sản phẩm phát huy tối đa công dụng, xin mời tuân thủ 3 nguyên tắc:

  • Sử dụng sản phẩm khử mùi vào buổi tối vì đây là thời điểm nhiệt độ cơ thể giảm, không có các hoạt động thể chất nên tuyến mồ hôi làm việc ít hơn. Từ đó hoạt chất dễ dàng khóa tuyến mồ hôi tạm thời cũng như ngăn vi khuẩn tấn công.

  • Sử dụng sản phẩm trên nền da được làm sạch: việc loại bỏ vi khuẩn, dầu thừa, mồ hôi oxy hoá, tế bào chết thúc đẩy hoạt chất và thành phần tạo hương hoạt động hiệu quả.

  • Sử dụng trên vùng da khô ráo để hoạt chất được duy trì ổn định trên vùng da điều trị. Đặc biệt chú ý không sử dụng khi có vết thương hở hoặc ngay sau khi triệt lông/cạo lông rất dễ gây tình trạng kích ứng với sản phẩm (thường giãn cách 48 giờ sau khi thực hiện các phương pháp wax, laser, cạo lông).

Nguyên tắc cần tuân thủ khi sử dụng chất khử mùi

Nếu duy trì sử dụng không thấy có hiệu quả, các bạn hãy nhanh chóng tìm gặp xin tư vấn của bác sĩ nhé. Hy vọng bài viết của tớ giúp các cậu phần nào hiểu được cơ thể của mình và tìm cách khắc phục để giữ một cơ thể luôn thơm tho, quyến rũ nhé.


Các bạn có thể liên hệ với Dương thông qua những nền tảng dưới đây:

Fapage GlowInside&Out 

Instagram GlowInside&Out

Youtube Glowinsideout


Bài viết thuộc quyền sở hữu của Nguyen Thuy Duong và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here