Toàn bộ nội dung
Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Đọc bảng thành phần mỹ phẩm liệu có phải là cách đúng đắn để đánh giá sản phẩm? Ví dụ thực tế từ bảng thành phần Sữa rửa mặt Centaphil luôn heng. #latrang #centaphil #sữarửamặt #thanhphanmypham #goclamđep #beautytok
Trang thấy nhiều bạn nghĩ chuyên nghiệp là phải cầm được bảng thành phần lên đọc vanh vách từng thành phần và nêu được công dụng thì khen chê nó mới thực sự công tâm. Trông có vẻ cũng tinh vi đấy, nhờ? :)) Nhưng sự thật là không nhà bào chế nào người ta đọc bảng thành phần theo cách như vậy đâu các bạn ạ.
Nói có sách, mách có chứng. Trong bài viết này Trang sẽ lấy bảng thành phần sữa rửa mặt Cetaphil làm ví dụ. Rồi bạn sẽ thấy nếu như chỉ đọc một cách đơn thuần thì Trang nói thật, vứt mẹ chai sữa rửa mặt này luôn cho rồi :)))
I/ Đọc bảng thành phần sữa rửa mặt Cetaphil
1. Đọc theo kiểu đánh giá công dụng từng thành phần riêng lẻ
Nhìn vào bảng thành phần sữa rửa mặt Cetaphil, một số bạn sẽ kiểu:
Trong sản phẩm này có:
– SLS (Sodium Lauryl Sulfate), một chất thuộc nhóm tẩy rửa mạnh mẽ nhất có thể gây phân tách các protein, phá hủy hàng rào bảo vệ da, mất nước xuyên biểu bì, gây thô ráp trên da.
– Ngoài ra nó còn có 3 loại paraben khác nhau. Mà paraben vẫn còn đang gây tranh cãi về khả năng gây ung thư vú.
Thế là kết luận ngay: “Đúng là một trò lừa lịch sử, vậy mà bác sĩ nào cũng bảo là dịu nhẹ. Cũng may là biết đọc bảng thành phần chứ không là bị lừa rồi.”
Ghê chưa :)) Các bạn sao chứ những nhà bào chế (từ kỹ sư hóa sinh đến dược sĩ) mà Trang chơi cùng ý, họ hèn lắm :)) Họ không dám khẳng định như thế vì họ biết không điều gì là chắc chắn cả. Vậy họ đọc như thế nào?
2. Đọc theo kiểu phân tích chuyên sâu cả bảng thành phần
Trước khi đi vào phân tích chuyên sâu bảng thành phần của sữa rửa mặt này như cách các nhà bào chế đang làm, Trang nghĩ các bạn cần phải nắm được những thông tin cơ bản dưới đây.
Xét về mặt lý thuyết thì SLS từ 8 – 10% có thể đóng vai trò là chất làm sạch, tạo bọt chính của sản phẩm. Nhưng nếu SLS từ 2 – 3% thì chỉ là chất nhũ hóa. Mà chất nhũ hóa hiểu đơn giản là trung gian để kết nối những thành phần ưa dầu và ưa nước lại thành một thể thống nhất, từ đó giúp:
- Ổn định dung dịch của sản phẩm, tránh tách lớp
- Dễ dàng rửa trôi hơn
Bạn nào mà đã dùng dầu tẩy trang sau đó mát xa thành dạng sữa thì các bạn hiểu đúng không?
Bây giờ chúng ta nói chi tiết vào bảng thành phần sữa rửa mặt Cetaphil. Dựa trên thực tế sản phẩm không tạo bọt, Trang đưa ra giả thuyết có ít nhất ba cách bào chế như sau:
Cách 1: Theo cơ chế chất béo rửa trôi chất béo, cồn béo là thành phần làm sạch chính
Nếu theo cơ chế chất béo rửa trôi chất béo thì thằng cồn béo Cetyl Alcohol và Stearyl Alcohol mới đúng là thành phần làm sạch chính. Chúng sẽ hòa tan các lipid, dầu thừa hiện có trên da.
Sau đó, thằng SLS sẽ đóng vai trò là chất nhũ hóa. Trong trường hợp này, SLS được dự tính khoảng dưới 3%. Và nó sẽ giúp cho thằng cồn béo dễ được rửa trôi ra khỏi da hơn, tránh cảm giác bị nhớt nhớt ở trên da sau khi làm sạch.
Do đó, với trường hợp này, thằng SLS không phải là thành phần làm sạch chính. Và khả năng gây kích ứng của nó cũng rất thấp.
Cách 2: SLS làm sạch chính, cồn béo tạo đặc, Polysorbate 20 nhũ hóa
Trong trường hợp này, SLS sẽ đóng vai trò là chất tẩy rửa chính.
Tuy nhiên, nhìn vào bảng thành phần, chúng ta có thể thấy nó không đi đơn độc một mình mà có sự song hành của cồn béo (chất có thể đóng vai trò tạo đặc) và Polysorbate 20 (đóng vai trò là chất nhũ hóa). Sự song hành của cồn béo và Polysorbate 20 sẽ kìm hãm mức độ hoạt động của thằng SLS rất nhiều.
Bạn cứ hiểu nôm na rằng thằng SLS đang bận “dan díu” với cồn béo ở trong thành phần sản phẩm. Nên nó sẽ không tập trung làm sạch mạnh mẽ như lúc đứng một mình. Đồng thời, thằng Polysorbate 20 cũng sẽ giảm khả năng tạo bọt của SLS lại. Dân bào chế hay nói đùa với nhau rằng đây là những nhóm chất “tái béo”, tức là tái tạo lại lớp lipid của da.
Nên sau khi chúng ta làm sạch xong vẫn sẽ thấy da của mình có chút mềm ẩm. Đó là nhờ những thành phần được gọi là cồn béo ở trên.
Vậy với trường hợp này, rõ ràng dù SLS có đóng vai trò là chất làm sạch đi chăng nữa thì nó cũng đã được kìm bớt lại rất nhiều và khả năng gây kích ứng cũng không quá cao.
Cách 3: Polysorbate 20 làm sạch chính, cồn béo tạo đặc và làm mềm, SLS nhũ hóa
Trường hợp này sẽ hơi hiếm xảy ra. Bởi vì khả năng làm sạch hay nhũ hóa của Polysorbate 20 cũng không quá mạnh mẽ.
Nói thêm một chút về hệ bảo quản 3 thằng paraben (thường đóng vai trò là chất bảo quản).
Thật sự, truyền thông có “diss” paraben tới đâu thì hiện tại những nhà bào chế mà Trang tiếp xúc đa phần đều đánh giá rất cao khả năng bảo quản của nó. Thậm chí, paraben có thể được xếp vào hàng top chất bảo quản tốt nhất.
Lý do có được sự đánh giá này là vì paraben kháng vi khuẩn tốt, phổ rộng. Từ vi khuẩn gram âm đến gram dương, từ hiếu khí đến kị khí, nó đều giải quyết êm đẹp. Với một làn da đang nhạy cảm, có sự tấn công của vi khuẩn ở bên ngoài thì việc sử dụng một sản phẩm được bảo quản an toàn từ bên trong cũng là một điều nên làm.
Tuy Trang thấy sữa rửa mặt Cetaphil loại này cũng hay cập nhật, có bản có paraben, có bản không có. Tuy nhiên, vấn đề paraben nói chung, rất nhiều nhãn hàng lớn họ còn chưa từ bỏ được mà. Chẳng hạn như SK-II :))
Thế mới thấy, cũng chừng ấy mắm muối tiêu đường, chúng ta hoàn toàn biết rõ từng vị đơn lẻ ra làm sao. Nhưng chúng ta vẫn không thể chắc chắn món ăn sau cùng nấu lên ngon hay dở, mặn hay ngọt.
Với riêng cá nhân Trang, sau khi phân tích bảng thành phần của sữa rửa mặt này thì Trang vẫn không chọn. Không phải vì nó tốt hay xấu mà đơn giản vì Trang thấy có rất nhiều sự lựa chọn khác tốt hơn.
Nói chung, yêu hay ghét mình phải rõ ràng mọi người ạ :))
II/ Đọc bảng thành phần mỹ phẩm là cách đúng đắn để xác định chất lượng sản phẩm?
Vậy đọc bảng thành phần có phải là cách đúng đắn để đánh giá chất lượng một sản phẩm hay không?
Ở trên Trang cũng đã đề cập thực tế là những người làm bào chế khi gặp một bảng thành phần, họ sẽ có nhiều cách phân tích khác nhau. Tuy nhiên, họ sẽ không dám khẳng định chắc chắn đâu là cách đúng.
Vậy mà chúng ta ngồi đây đọc đơn lẻ từng thành phần một rồi khẳng định chắc nịch như một chuyên gia là sản phẩm này tốt hay không. Thật sự rất là phiến diện mọi người ạ :))) Và chính bạn đó, có thể đã trở thành “nạn nhân” rồi.
Đơn cử như có khi nào bạn mua một sản phẩm chỉ vì nhìn vào bảng thành phần và thấy có quá nhiều thành phần đẹp như trong mơ. Nhưng thực tế khi sử dụng thì nó nhạt như nước lã.
Và có một điều quan trọng Trang cần phải nhấn mạnh với các bạn, những điều Trang chia sẻ ở trên không phải là để cố gắng tỏ ra tinh vi, thượng đẳng và làm cho các bạn cảm thấy rằng: “À, bạn phải biết bào chế thì bạn mới có thể phân tích bảng thành phần đúng và mua được một sản phẩm tốt, còn không thì chỉ như đui mù mà thôi.”
Không nên có suy nghĩ như vậy mọi người ạ. Với Trang, việc các bạn biết nhìn đơn lẻ từng thành phần sản phẩm vẫn có những lợi ích nhất định. Đơn cử như việc này có thể giúp bạn xác định được trong mỗi thời điểm, mình nên thêm hoặc nên bỏ bớt thành phần nào ra khỏi chu trình skincare.
Ví dụ như Trang đang treatment rất mạnh với BHA nền cồn khô thì sẽ không sử dụng thêm kem chống nắng có chứa cồn khô nữa.
Tóm lại, mấu chốt ở đây là chúng ta cần biết sự giới hạn hiểu biết của bản thân để từ đó luôn tò mò, học hỏi, tránh bị gò bó trong một khuôn khổ hiểu biết nhỏ bé của mình và nghĩ rằng mình biết cả bầu trời rồi :))
Để tự do vượt lên sự hiểu biết, Trang nghĩ chúng ta có thể học tập câu nói của Sokrates – Triết gia người Hy Lạp: “Tôi chỉ biết một điều đó là tôi không biết gì cả.”
Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!