Sulfate có thực sự “xấu” như lời đồn?

Sulfate là một nhóm chất hoạt động bề mặt có khả năng tẩy rửa tốt, được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm hằng ngày như sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt, kem đánh răng,… Hai chất sulfate phổ biến nhất là Sodium Lauryl Sulfate (SLS) và Sodium Laureth Sulfate (SLES). Sulfate lần đầu tiên được dùng trong dầu gội đầu từ những năm 1930 (1). Với khả năng làm sạch tốt, tạo bọt hiệu quả, dễ điều chế trong nhiều công thức và giá thành rẻ, sulfate dần được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm làm sạch cá nhân.

Tuy nhiên, drama ập đến với nhóm chất này vào năm 1998 khi một chiếc email được gửi ra với cảnh báo “Go home and check your shampoo” với đại ý sulfate là một chất tẩy rửa rất mạnh và có thể gây ung thư nếu dùng trong thời gian dài (2). Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã viêt một bài giải thích các cáo buộc trong email đó không có bằng chứng khoa học (3), tuy nhiên, nhiều người bắt đầu chú ý đến nhóm chất này hơn và mở ra trào lưu nói không với sulfate hay #sulfatefree.

Trong những đồn thổi không tốt về sulfate, lời đồn nào là đúng, lời đồn nào là không có căn cứ, mình sẽ phân tích dưới góc độ là một nhà nghiên cứu về các chất hoạt động bề mặt trong hóa mỹ phẩm nhé.

1. Lời đồn 1: “Sulfate không an toàn và gây ung thư”

Đây là một lời đồn không có căn cứ khoa học. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều không liệt kê SLS hay SLES là chất gây ung thư (1,4). Ngoài ra, các nghiên cứu về độc tính của SLS và SLES cho thấy các chất này an toàn khi sử dụng ở liều lượng phù hợp trong các sản phẩm làm sạch (4,5).Có tin đồn rằng SLS và formaldehyde (còn gọi là formol) sẽ phản ứng và tạo ra nitrosamine gây ung thư → Đây là tin đồn sai sự thật, thiếu cơ sở.

SLS thường chỉ "ngấm" tới da. Lượng nhỏ SLS thấm vào máu cũng mau chóng được chuyển hóa và đào thải chứ không tích lũy trong cơ thể.Tuy nhiên, SLES hay bị hiểu lầm là chất gây ung thư vì trong quá trình sản xuất, SLES có thể lẫn tạp chất 1,4-dioxane, một chất có thể gây ung thư. Chính vì vậy, nhiều công ty chuyển hẳn sang dùng SLES ko lẫn tạp chất này. Gần đây, bang New York, Mỹ đã ra luật mới quy định các sản phẩm tẩy rửa chỉ được phép có dưới 1ppm (1/1,000,000) tạp chất này trong sản phẩm để đảm bảo độ an toàn (6).

SLES không gây ung thư, mà tạp chất 1,4 dioxane lẫn trong SLES có thể gây ung thư. Đã có giới hạn về nồng độ 1,4-dioxane trong các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, chăm sóc cá nhân (1ppm vào cuối năm 2023) và trong mỹ phẩm (10ppm vào cuối năm 2022).

 

2. Lời đồn 2: “Sulfate làm khô da và tóc, gây trôi màu tóc nhuộm”

Lời đồn này có lí do của nó. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra khi bôi trực tiếp SLS lên da trong thời gian dài và liều lượng cao, SLS gây khô da và kích ứng (7). Lí do vì SLS là một chất hoạt động bề mặt tốt nên sẽ tương tác với protein và chất béo trên da, đồng thời rửa trôi lớp dầu tự nhiên của da. SLES có đầu ưa nước to hơn, nên khó thẩm thấu vào da và nhẹ dịu hơn so với SLS.

Khả năng thấm của SDS (một loại chất hoạt động bề mặt có gốc sulfate) vào lớp biểu bì tỉ lệ thuận với nồng độ SDS trong dung dịch tiếp xúc. Do bản chất là các chất vừa ưa dầu, vừa ưa nước, các chất hoạt động bề mặt gốc sulfate có thể gây khô da và mất nước xuyên biểu bì.

Thật ra, một chất có được coi là có hại hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nồng độ và thời gian phơi nhiễm với chất đó. Xét về nồng độ, khi dùng ở nồng độ phù hợp, sulfate vẫn được tìm thấy trong các sản phẩm sữa tắm, dầu gội cho em bé (9), hoặc thậm chí trong thực phẩm ở một số nước (10). Xét về độ phơi nhiễm, với những sản phẩm làm sạch như dầu gội và sữa tắm, thời gian sản phẩm tiếp xúc với da và tóc chỉ trong vài phút, thấp hơn rất nhiều so với những nghiên cứu về độc tính thường diễn ra trong vòng 24 giờ hoặc lâu hơn.

Ngoài nồng độ cao hay thấp, công thức cuối cùng cũng ảnh hưởng rất nhiều tới độ dịu nhẹ của sản phẩm, lấy ví dụ là có những dầu gội tránh trôi màu dành cho tóc nhuộm vẫn chứa sulfate. Có nhiều cách để làm sản phẩm có SLS dịu nhẹ hơn, ví dụ kết hợp cả SLS và SLES với nhau, kết hợp với các chất hoạt động bề mặt dịu nhẹ khác như cocamidopropyl betaine, hay thêm các thành phần cấp ẩm như glycerin,…

Các phản ứng trên da trở nên rõ rệt hơn khi tăng nồng độ SLS (từ 0,125% đến 2,0%) và tăng thời gian tiếp xúc (từ 3 đến 48 giờ) → Phản ứng "phụ" khi dùng SLS thường rất nhẹ, do phụ thuộc nhiều vào nồng độ và thời gian tiếp xúc (SLS thường chỉ được dùng trong các sản phẩm tắm gội và rửa trôi, tiếp xúc trên da không quá 30 phút).

3. Lời đồn 3: “Sulfate không thân thiện với môi trường”

Vì SLS và SLES sẽ được rửa trôi cùng nước và thải ra môi trường, nhiều người cho rằng các chất này sẽ không phân hủy và tích tụ lại trong nước, gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, lời đồn này là hoàn toàn sai. Theo nhiều báo cáo, SLS và SLES dễ dàng phân hủy thành các thành phần không độc hại, vì thế không gây ô nhiễm nước hay ảnh hướng xấu tới cá và các sinh vật thủy sinh khác (11,12).

SLS có khả năng phân hủy sinh học trong khoảng 96 giờ ở ngoài tự nhiên, kể cả trong môi trường hiếu khí và yếm khí.

Xét về độ tự nhiên, SLS có thể được tổng hợp 100% từ các thành phần thiên nhiên. SLES thì khác: vì có chứ gốc ether sulfate, trải qua quá trình ethoxylation nên được tổng hợp từ cả thành phần thiên nhiên lẫn thành phần từ dầu mỏ, nên nguồn gốc thành phần từ thiên nhiên chiếm 76% (13).

Nếu bạn quan tâm tới nguồn gốc thiên nhiên của một chất để cho vào sản phẩm hoặc sử dụng, đây là một điểm để cân nhắc giữa SLS và SLES. Mình cũng muốn chỉ ra rằng khái niệm sản phẩm thiên nhiên chưa được định nghĩa một cách khoa học và không thể dùng một chất để xét xem sản phẩm đó có thiên về tự nhiên hay không.

 

SLES có ~76% thành phần thuộc nguồn gốc sinh học, thế nên chọn các loại SLS có nguồn gốc thực vật được cho là thân thiện hơn với môi trường - “xanh” hơn.

Tóm lại, có rất nhiều lời đồn không có căn cứ được lan truyền về sulfate. Điều quan trọng nhất mình muốn các bạn nắm được đó là sulfate an toàn khi sử dụng trong các sản phẩm làm sạch hằng ngày. Việc nó có phù hợp với da và tóc của bạn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sản phẩm đó phục vụ cho mục đích gì, sở thích cá nhân về kết cấu sản phẩm, hay da/tóc của bạn là da dầu hay khô, có dễ bị kích ứng không.

Một dầu gội detox hay clarifying chắc chắn sẽ làm nhiệm vụ làm sạch tốt hơn một dầu gội dưỡng ẩm hay cho tóc nhuộm. Bạn thích sản phẩm nhiều bọt làm sạch tốt hay sản phẩm dịu nhẹ ít bọt? Nếu da bạn khô và dễ bị kích ứng, nhớ thử một lượng nhỏ sản phẩm lên da tay trước khi cho lên mặt và tóc.

Với các công ty lớn, những thông tin trên bao bì sản phẩm thường đi cùng với kết quả thí nghiệm để chứng minh. Vì vậy, thay vi bóc tách một nguyên liệu trong cả một công thức để xem xét độ phù hợp của sản phẩm với mình, hãy cân nhắc những “claims” trên bao bì và website về sản phẩm đó để có một góc nhìn bao quát hơn.

_____________________________________________________________________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của TS. Trang Vũ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here