“Nghiện corticoid”: Cách phục hồi da sau lạm dụng corticoid dài ngày?

Ở Việt Nam thì kem trộn chứa corticoid vẫn vô cùng hấp dẫn, có thể âm thầm hay ồn ào trên thị trường nhưng chưa khi nào biết mất. Sự quyến rũ của kem trộn ở chỗ nó có khả năng làm cải thiện rất nhanh mọi vấn đề về da.

Và corticoid cũng từ đó hay được gắn với kem trộn. Nó được gán luôn cho cái mác thành phần xấu và độc hại vì sau khi cải thiện rất nhanh mọi vấn đề về da thì lại gây ra vô số tình trạng bị biến chứng khi sử dụng những sản phẩm kem trộn này dài ngày.

Với nội dung này mình sẽ giúp các bạn hiểu hơn về corticoid và nhân tiện sẽ hướng dẫn các bạn đã trót làm dụng kem trộn biết cách cai nghiện và chăm sóc da sau đó để giúp da hồi phục một cách tốt nhất.

1. Lịch sử tìm ra Corticoid và cơ chế tác dụng của Corticoid

Đầu tiên phải khẳng định corticoid không phải là một hoạt chất xấu. Corticoid là một hoạt chất vô cùng quan trọng trong điều trị, đã có 1 lịch sử ứng dụng rộng rãi trong nền y học thế giới.

Lịch sử sử dụng:

Nhìn về lịch sử sử dụng Corticoid(tên đầy đủ là glucocorticoid(GC)): Hench năm 1949 đoạt giải Nobel về nghiên cứu chứng minh tác dụng chống viêm corticoid trong bệnh viêm khớp dạng thấp. Vào năm 1952, Sulzberger và Witten đã tiến hành thử nghiệm được kiểm soát tốt đầu tiên chứng minh lợi ích rõ ràng của hydrocortisone bôi tại chỗ trong tình trạng viêm da trong da liễu. Và những năm 1960 là thời kỳ vàng son của GC với sự ra đời của của các chất cùng loại tổng hợp lần đầu tiên. Đến nay thì GC đã không thể thiếu trong điều trị của nhiều chuyên ngành y học khác nhau.

Cơ chế tác dụng của GC tại chỗ:

Bất kỳ tác dụng cụ thể nào của GC đều có thể có lợi trong việc điều trị một bệnh nhưng lại là tác dụng phụ ở một mặt nào đó. Ví dụ, khả năng chống phân bào của GC là yếu tố then chốt trong điều trị bệnh vẩy nến – một căn bệnh đặc trưng bởi tốc độ luân chuyển tế bào rất nhanh nhưng trong điều trị các chứng viêm trong các bệnh da liễu thì nó lại dẫn đến teo da và thường có thể trở thành lý do khiến Bệnh nhân(BN) ngừng điều trị GC tại chỗ.

Giản đồ cơ chế sinh học các công dụng của corticoid: Kháng viêm, giảm tăng sinh, co mạch, ức chế miễn dịch.

Khi GC đi qua màng tế bào, nó sẽ nó liên kết với thụ thể tế bào chất (R) để tạo thành phức hợp GC-R. Sau đó phức hợp này được vận chuyển tới nhân tế bào.

Phức hợp này gây bong protein giới hạn miền liên kết của DNA – tức là DNA có 1 miền để liên kết với các phức hợp có khả năng tác động đến DNA bình thườn nó được đóng lại bởi protein. Sự bộc lộ vị trí gắn kết DNA cho phép thụ thể mang GC gắn kết vơí DNA.

Sự tương tác này ức chế trực tiếp khả năng phân bào của DNA và thay đổi một số quá trình phiên mã, và sau đó là quá trình dịch mã tạo ra các protein chức năng. Một loại protein chống viêm đặc biệt được tạo ra theo cách này là lipocortin. Lipocortin thì có tác dụng ức chế phospholipase A2, cuối cùng làm giảm sản xuất các chất trung gian gây viêm.

Phức hợp GC và thụ thể cũng cũng đàn áp mạnh mẽ các phức hợp protein kiểm soát sự phiên mã của DNA là AP-1 và NFkB. Những phức hợp protein này là cũng là những yếu tố quyết định trong các phản ứng viêm và miễn dịch.

Thụ thể glucocorticoid liên kết với dexamethasone (một loại glucocorticoid tổng hợp) và liên kết với DNA, gây nên đáp ứng tế bào.

Vì vậy thì cơ chế tác dụng của corticosteroid tại chỗ rất đa dạng, bao gồm tác dụng chống viêm mạnh, chống phân bào và ức chế miễn dịch.

2. Vậy tại sao sử dụng sản phẩm chứa corticoid trên da dài ngày lại gây hại?

Không chỉ kem trộn, mà cả những sản phẩm là thuốc chứa corticoid nếu lạm dùng dùng lâu dài trên da đều có khả năng gây ra những biến chứng. Tại sao lại như vậy? Tác dụng phụ phổ biến nhất đó là:

  • Teo da, rạn da

Như các bạn thấy cơ chế phân tử của corticoid đó là ức chế trực tiếp DNA, cụ thể là ức chế quá trình tổng hợp và nguyên phân DNA của tế bào. Những thay đổi teo da có thể ảnh hưởng đến cả biểu bì và trung bì. Những thay đổi rất nhỏ ở biểu bì thể hiện rõ ràng sau 3-14 ngày sử dụng.

Ban đầu, biểu bì trở nên mỏng do giảm kích thước tế bào biểu bì. Sau khi tiếp xúc lâu dài, lớp hạt biến mất và lớp sừng trở nên mỏng. Sự tổng hợp các lipid của lớp sừng và sự hình thành các tế bào cần thiết cho sự toàn vẹn cấu trúc của lớp sừng bị ngăn chặn.

Corticoid cũng ức chế nguyên bào sợi tổng hợp collagen, teo da càng ngày càng rõ do giảm tăng trưởng nguyên bào sợi và giảm tổng hợp collagen. Sự teo có thể hồi phục khi ngừng sử dụng corticoid, nhưng quá trình bình thường hóa có thể mất vài tháng. Hoặc thậm chí không thể hồi phục.

Một tác dụng phụ cũng hay gặp không kém khi lạm dụng sp chứa corticoid dài ngày đó là:

  • Mụn trứng cá bùng phát

Sau một thời gian giảm viêm mạnh và ức chế miễn dịch tại chỗ khiến da gần như không còn khả năng tự chống lại các yếu tố gây nhiễm trùng. Và bùng phát mụn trứng cá là một biến chứng rất phổ biến khi dừng đột ngột corti, mụn có thể do cả vi khuẩn, nấm khi chúng bội nhiễm.

Sự xuất hiện của mụn trứng cá bao gồm các sẩn và mụn mủ (đơn hình) nhỏ và có kích thước đồng đều, chủ yếu nằm ở thân và tứ chi, khuôn mặt. Tác dụng chống viêm của Corticoid ban đầu có thể ngăn chặn các tổn thương viêm và ban đỏ, nhưng các đợt bùng phát xảy ra khi ngừng Corticoid. Lý giải cho điều này có thể là:

Corticoid giảm viêm mạnh và ức chế miễn dịch làm cho biểu mô nang lông tuyến bã đáp ứng tốt hơn với sự hình thành mụn trứng cá do tăng số lượng vi khuẩn trong ống dẫn chất nhờn, và từ đó vi khuẩn gây mụn cũng gây tăng nồng độ axit béo tự do trong lipid bề mặt da.

  • Chứng rối loạn sắc tố

Giảm sắc tố da sau khi sử dụng tại chỗ là khá phổ biến, nhưng không thường xuyên nhận thấy ở những người da quá sáng. Những người có loại IV đến VI bị ảnh hưởng đặc biệt. Corticoid có thể can thiệp vào quá trình tổng hợp melanin bởi các tế bào hắc tố, gây ra các vùng giảm sắc tố loang lổ có thể hồi phục sau khi ngừng sử dụng corticoid. Đây cũng là cơ chế góp phần làm trắng khi sử dụng kem trộn.

Tăng sắc tố cũng có thể gặp, đặc biệt ở giai đoạn sau khi dừng đột ngột sử dụng corticoid do chức năng bảo vệ của biểu bì suy giảm, các tế bào sắc tố lớn tăng cường hoạt động để tạo melanin mục đích bảo vệ da trước kích thích.

  • Giãn mao mạch

Sự mỏng đi của biểu bì và trung bì khiến các mạch máu trở nên nông hơn. Ngoài ra, do ức chế sự tăng sinh của nguyên bào sợi, quá trình tổng hợp collagen có thể bị giảm, dẫn đến các mạch máu ở da bớt đàn hồi hơn và bị giãn rộng. Khi đó các mạch máu có thể nhìn thấy được ở bề mặt da, do sự giãn nở mao mạch và mỏng đi của da.

Và cuối cùng có thể là:

  • Nghiện corticoid

Nghiện corticoid xảy ra sau khi lạm dụng sản phẩm chứa Corticoid mạnh và kéo dài. Bệnh nhân nghiện corticoid có mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ, viêm da quanh miệng hoặc giãn mao mạch và tiếp cần tục sử dụng thuốc này, vì sợ rằng có thể bùng phát tình trạng của họ khi ngừng thuốc thoa corticoid.

Ba giai đoạn của vòng luẩn quẩn đã được mô tả:

(1) Điều trị ban đầu cải thiện mụn mủ, ngứa, ban đỏ, sắc tố …;

(2) Khi tiếp tục sử dụng, ức chế miễn dịch tại chỗ làm tăng sự phát triển của vi sinh vật và

(3) khi ngừng điều trị, các cơn ngứa, mẩn đỏ, rối loạn sắc tố… tái phát được nhìn thấy. “Hội chứng da bỏng đỏ” có thể là biểu hiện trong một số trường hợp. Và điều này thúc dục phải tiếp tục sử dụng và ngày càng phải tăng liều để giảm triệu chứng. Một vòng luẩn quẩn khiến người ta gặp tình trạng “nghiện” corticoid.

3. Vậy nếu đã trót làm dụng corticoid thì dừng sử dụng như thế nào và chăm sóc da sau đó thế nào để da phục hồi tốt nhất?

  • Các biện pháp hỗ trợ được chỉ định đối với các triệu chứng về thể chất và tâm lý vì thường khi dừng đột ngột corticoid các triệu chứng rầm rộ lên một cách bất thường khiến BN vô cùng hoang mang và lo lắng.

  • Bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc kháng histamine uống để giảm ngứa.

  • Đau bỏng có thể được giảm bớt bằng cách chườm đá hoặc chườm nước mát hoặc có thể dùng một số thuốc giảm đau do thần kinh.

  • Thuốc hỗ trợ ngủ và thuốc giải lo âu có thể thích hợp trong một số trường hợp.

  • Thuốc ức chế miễn dịch đường uống và liệu pháp ánh sáng đã được báo cáo để giúp những bệnh nhân thoải mái hơn khi cai nghiện corticoid. Ví dụ thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ như tacrolimus và kháng sinh đường uống (ví dụ như doxycycline, tetracycline và erythromycin) đã được sử dụng hầu hết ở những bệnh nhân bị tình trạng bùng phát viêm như mụn trứng cá.

  • Phòng ngừa và điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng thứ cấp nào là mối quan tâm hàng đầu của cả bệnh nhân và bác sĩ. Và tùy từng trường hợp sẽ có một phác đồ riêng cho từng tình trạng da.

Các dấu hiệu quá liều corticoid và phương hướng giải quyết

Hướng dẫn điều trị và chăm sóc da:

Nguyên tắc: Loại bỏ những chất độc hại trên da, phục hồi hàng rào biểu bì, hàng rào tự nhiên, tạo điều kiện cho da tự tái tạo.

Áp dụng chung:

+ Ngưng mỹ phẩm corticoid một cách từ từ không ngừng đột ngột, tiến hành cai nghiện một cách từ từ. Nên hạn chế việc thoa kem và giảm dần thời lượng bôi. Từ bôi mỗi ngày chuyển sang cách ngày rồi chuyển sang tuần 2 lần, tuần 1 lần, 2 tuần 1 lần rồi mới ngừng bôi hẳn. Thời gian cho mỗi đợt giảm số lần bôi là khoảng 1-2 tuần.

Thông thường ở tình trạng da nhiễm corticoid nhẹ đến vừa, thời gian cai từ 4-6 tuần. Nếu tình trạng da “nghiện” corticoid nặng hơn, thời gian cai có thể dài hơn.

+ Sử dụng nước muối sinh lí hoặc một số loại sữa rửa mặt dành cho da nhạy cảm để làm sạch da.

+ Ngưng các loại mỹ phẩm chứa retinoid, hydroquinone, vitamin C dạng thoa, AHA, BHA,…

+ Tích cực dùng kem chống nắng dành cho da nhạy cảm.

+ Sử dụng thuốc uống và thoa tùy từng trường hợp sau:

Thuốc uống:

 Trường hợp 1: da mới bị mỏng, hơi ngứa, chưa viêm: Cân nhắc kháng histamin để giảm ngứa và nhạy cảm da, uống Vitamin C (tăng sức đề kháng), Vitamin B2 và B5 (làm lành da & giảm tiết dầu) & bổ sung thêm Kẽm.

– Trường hợp 2: da viêm, nhiều mụn li ti kèm đỏ da, thì có thể dùng kháng sinh phổ rộng để giảm sưng, kháng histamin giảm ngứa, dùng thêm chống viêm có corticoid hoặc không chứa corticoid đường uống trong 3 -5 ngày sau đó tùy trường hợp có thể áp dụng một số loại ức chế miễn dịch khác như Tacolimus…

– Trường hợp 3: da nhiễm Dermodex thì không thể dùng kháng sinh thông thường mà phải dùng Metronidazone và các chế phẩm bôi đặc hiệu.

Trường hợp khác: cân nhắc thuốc uống dựa trên tình trạng cụ thể. Có thể cân nhắc kết hợp men vi sinh đường uống: Hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, có thể có tác động tích cực đến sức khỏe da.

Bổ sung omega-3 và các axit béo thiết yếu: Có thể giúp giảm viêm và cân bằng lại các tỷ lệ các acid béo đang bị rối loại trên da.

Thuốc thoa và mỹ phẩm:

  • Thuốc thoa: Sẽ tùy từng tình trạng da sẽ được bác sĩ chỉ định.

Thuốc chống viêm không chứa corticoid:

        • Tacrolimus và Pimecrolimus: Đây là các thuốc ức chế calcineurin có thể được sử dụng để điều trị viêm da mà không gây ra tác dụng phụ như corticoid.
        • Thuốc kháng histamine: Được sử dụng để giảm ngứa và viêm do dị ứng.
        • Thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm: Nếu có nhiễm trùng thứ phát (vi khuẩn hoặc nấm), bác sĩ có thể cần kê đơn thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm để điều trị, ví dụ acid fusidic, Ketoconazole…
        • Thuốc giúp tăng sinh collagen cho da: Ví dụ nhóm retinoids, có thể được cân nhắc sau khi tình trạng viêm, ngứa, đỏ da, nhiễm trùng… đã được kiểm soát.
  • Mỹ phẩm: Kết hợp sử dụng kem dưỡng hồi phục & làm dịu da. Có thể lựa chọn các loại mỹ phẩm dành cho da nhạy cảm. Ưu tiên các loại cấp ẩm, giữ ẩm sẽ thích hợp giúp phục hồi và duy trì hàng rào bảo vệ da. Dưỡng ẩm cần có ít thành phần, không có các chất có thể gây kích ứng da (như urê, AHA, BHA,…). Các thành phần phù hợp với da nhạy cảm là các thành phần thường xuyên xuất hiện trên da tự nhiên như: Hyaluronic acid, Glycerin, squalen, ceramine, panthenol,…

Chế độ sinh hoạt hằng ngày:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
  • Không ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ & các chất kích thích rượu, bia, cà phê, thuốc lá…
  • Kiêng các thực phẩm có đường & hạn chế tinh bột
  • Ăn nhiều rau củ quả mát
  • Ngủ đủ 8h/ngày không thức khuya
  • Không sờ tay lên mặt, không tự ý nặn mụn
  • Sử dụng khẩu trang, mũ… để bảo vệ da khỏi khói, bụi & ánh nắng.

4. Kết luận

Việc lạm dụng corticosteroid tại chỗ xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Rõ ràng việc lạm dụng TC đang bùng phát mạnh mẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong xã hội của chúng ta và cần phải nâng cao nhận thức của mọi người và quản lý chặt chẽ việc sử dụng Corticoid. Đây đều là những khẩu hiệu nhưng BS nghĩ vẫn cần nhắc lại dù không biết bao giờ mới thực hiện triệt để được ở Việt Nam.

Bác sĩ Thành

Các bạn có thể liên hệ với Bác sĩ Thành thông qua những nền tảng dưới đây:

_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Đỗ Thành và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here