Toàn bộ nội dung
Xin chào cả nhà Đồng Điệu! BS. Trai gặp không ít bệnh nhân than phiền về việc dùng retinol mãi mà không thấy hiệu quả.
Có lẽ cũng từ kỳ vọng của các bạn với thành phần này vì bây giờ đâu đâu cũng khen retinol với rất nhiều công dụng, nào là giúp da căng bóng mịn màng, giảm mụn, mờ thâm, xóa mờ nếp nhăn. Nhưng có người dùng hoài chẳng thấy da thay đổi gì, thậm chí còn nghĩ da mình bị “lờn” retinol rồi, dẫn tới thất vọng.
Trong bài viết này, BS. Trai sẽ cùng các Đồng Điệu “khui mở” vấn đề này, chỉ ra những điều cần lưu ý để hiểu rõ hơn về retinol và hiệu quả thực sự của nó đối với làn da, đồng thời giải mã tin đồn “lờn retinol” trong truyền thuyết.
1. Tổng quan về retinol
Mặc dù đoạn này khá nhàm chán, nhưng BS.Trai vẫn phải viết để đề phòng những bạn chưa thực sự hiểu về Retinol có thể đọc, nếu bạn đã biết retinol và công dụng của nó là gì, có thể nhảy xuống phần 2 luôn nhé.
Về bản chất, retinol là một dạng của gia đình vitamin A, thuộc nhóm retinoid. Cấu trúc hóa học của retinol bao gồm một vòng cyclohexene và một chuỗi bên isoprenoid. Điểm đặc biệt của retinol là khả năng chuyển hóa thành retinaldehyde và sau đó là tretinoin (còn gọi là retinoic acid) – dạng hoạt động mạnh nhất của vitamin A trong da.
Khi retinol thẩm thấu vào da, nó liên kết với các thụ thể retinoid đặc hiệu trên bề mặt tế bào. Sự liên kết này kích hoạt một loạt các phản ứng dây chuyền, tác động lên quá trình biểu hiện gen và tổng hợp protein.
Cụ thể, retinol thúc đẩy sự tăng sinh của tế bào sừng (keratinocyte), tăng tốc quá trình tái tạo da, loại bỏ tế bào chết và làm mờ các đốm nâu, nếp nhăn. Đồng thời, retinol còn kích thích sản sinh collagen và elastin, giúp da săn chắc, đàn hồi hơn.
Bên cạnh đó, retinol còn có tác dụng điều hòa hoạt động của tuyến bã nhờn, giảm tiết dầu, ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông và giảm mụn.
Tuy nhiên, BS. Trai cũng lưu ý các Đồng Điệu rằng retinol là một hoạt chất mạnh, có thể gây kích ứng da nếu sử dụng không đúng cách.
2. Sử dụng retinol mà không thấy hiệu quả?
Với bề dày nghiên cứu và những ứng dụng mà BS. Trai đã tóm tắt ở trên, retinol được xem như một liệu pháp “trẻ hóa da” đường bôi thoa “top of mind” trên thị trường, các liệu trình treatment cho da mụn, làm trắng da cũng thêm retinol như một giải pháp tăng nhanh hiệu quả routine.
Thế nhưng vẫn có những bạn sử dụng retinol thì cảm thấy “không cảm giác gì, da trơ trơ”, thậm chí da còn xấu hơn, sạm hơn lúc chưa xài. Vì sao thế?
Sử dụng retinol thấy da tệ hơn
– LỜI ĐỒN: “Đừng xài retinol, xài xong da xấu hơn đó”.
Đúng đấy, nhưng chưa đủ. BS. Trai sẽ giải thích cho các Đồng Điệu các nguyên nhân có thể khiến cho da các bạn có vẻ tệ hơn khi dùng retinol. Các bạn cứ yên tâm, “xấu” do retinol không dài hạn, và thường được ví như “ngỗng đen hóa thiên nga” vậy đó.
+ Phản ứng ban đầu (Retinization Phase)
Khi mới bắt đầu sử dụng retinol, da cần thời gian để thích nghi, thường được gọi là “retinization”. Đây chính là cơ sở của phần lớn các tác dụng phụ tạm thời của retinol.
Ngoài khả năng đẩy nhanh quá trình loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da như đã đề cập ở trên, retinol cũng kích thích hoạt động của tế bào Langerhans (hiểu nôm na là tế bào miễn dịch tại chỗ của da) và làm xáo trộn ngắn hạn hàng rào bảo vệ da.
Trong giai đoạn này, các triệu chứng như khô, bong tróc, đỏ và kích ứng có thể xuất hiện, khiến da trông xỉn và sạm hơn. Đây là phản ứng bình thường và thường giảm dần sau vài tuần đến vài tháng sử dụng.
+ Sử dụng nồng độ quá cao ngay từ đầu
Như BS. Trai đã chia sẻ ở trên, giai đoạn retinization là một dấu hiệu bình thường khi mới bắt đầu sử dụng retinol. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu với nồng độ retinol quá cao hoặc dùng “trần” (retinol không bọc) trên nền da không đủ khoẻ có thể làm nghiêm trọng hóa quá trình retinization, gây kích ứng mạnh cho da, làm da trở nên nhạy cảm và tổn thương. Những triệu chứng này có thể khiến da trông tệ hơn ban đầu, đặc biệt là khi da chưa kịp thích nghi với sản phẩm.
+ Không bảo vệ da đúng cách khỏi ánh nắng mặt trời
Retinol tiềm ẩn nguy cơ làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Cũng do cơ chế đẩy nhanh chu trình thay da, được các bạn hay gọi vui là “bong da non”, kèm theo hiệu quả ức chế quá trình sinh melanin của enzyme tyrosinase, nên nếu không sử dụng các biện pháp tránh nắng và chống nắng đầy đủ, da có thể bị tổn thương bởi tia UV, dẫn đến sạm da, tăng sắc tố và thậm chí là lão hóa sớm. Điều này cũng khiến da trông xấu hơn và làm giảm hiệu quả của retinol.
+ Da khô và mất nước
Quá trình retinization tuy có lợi trong việc loại bỏ tế bào chết và làm mới bề mặt da, nhưng đồng thời cũng làm giảm khả năng giữ nước của da. Bên cạnh đó, retinol còn có thể ảnh hưởng tạm thời đến quá trình sản xuất các lipid tự nhiên trên da, như ceramide, cholesterol và acid béo tự do, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hàng rào bảo vệ da và ngăn ngừa mất nước.
Nếu không kết hợp sử dụng các biện pháp dưỡng ẩm phù hợp, da có thể bị khô, nứt nẻ và kích ứng, khiến da trông kém khỏe mạnh và tươi sáng.
+ Tình trạng da ban đầu
Retinol mạnh mẽ thật đấy, nhưng “mạnh” thường đi kèm với “bạo”. Những người có làn da nhạy cảm hoặc đang gặp các vấn đề da liễu như rosacea (trứng cá đỏ), eczema (chàm) hay viêm da cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng retinol, và cần có sự theo dõi sát sao của bác sĩ da liễu.
Làn da nhạy cảm thường có hàng rào bảo vệ da yếu hơn, dễ bị mất nước và dễ bị kích ứng bởi các tác nhân bên ngoài. Khi sử dụng retinol, quá trình tái tạo tế bào da tăng tốc có thể làm mất cân bằng hàng rào bảo vệ da, khiến da trở nên khô, bong tróc và dễ bị viêm nhiễm hơn.
Đối với những người bị rosacea (trứng cá đỏ), retinol có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đỏ da, giãn mạch và nóng rát. Với eczema (chàm hay viêm da cơ địa), retinol có thể gây khô da, ngứa ngáy và bong tróc dữ dội hơn. Tương tự, đối với viêm da, retinol có thể làm tăng tình trạng viêm, sưng và đau.
+ Quá trình “đẩy mụn” (purging)
Retinol thúc đẩy quá trình thay đổi tế bào, khiến các tế bào da chết và bã nhờn được đẩy ra ngoài nhanh hơn. Các bạn có thể đọc thêm qua bài “Trị mụn tự thân?” của BS. Trai để hiểu thêm về mối tương quan của chu kỳ da và sự đẩy mụn nhé.
Quá trình này có thể gây bùng phát mụn tạm thời, khiến da trông có vẻ tệ hơn trước. Hiện tượng này sẽ giảm dần sau vài tuần sử dụng retinol.
+ Sử dụng sản phẩm không phù hợp hoặc quá nhiều sản phẩm cùng lúc
Việc kết hợp retinol với các hoạt chất mạnh khác như AHA, BHA, hay benzoyl peroxide có thể tạo ra một “cơn bão” trên da, gây kích ứng và tổn thương nghiêm trọng. Mỗi hoạt chất này đều có cơ chế tác động riêng, và khi kết hợp lại, chúng có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị mất nước, khô căng và bong tróc.
Cả retinol và những hoạt chất này đều có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, tuy nhiên khi kết hợp cùng lúc, tốc độ tái tạo này có thể vượt quá khả năng phục hồi của da, gây ra tình trạng bong tróc, khô da và thậm chí là viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, AHA và BHA còn có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mỏng lớp sừng bảo vệ da, khiến da càng trở nên nhạy cảm hơn với tác động của retinol và các yếu tố môi trường khác. Đặc biệt, benzoyl peroxide, một hoạt chất thường được sử dụng để trị mụn, có thể làm tình trạng khô da và bong tróc trở nên trầm trọng hơn khi kết hợp với retinol.
+ Không kiên nhẫn và thay đổi sản phẩm quá nhanh
Quá trình retinization có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào nồng độ retinol, loại da và cách sử dụng của mỗi người.
Tuy nhiên, nếu người dùng không kiên nhẫn và thay đổi sản phẩm quá nhanh, da sẽ không có đủ thời gian để hoàn thành quá trình retinization. Điều này có thể dẫn đến việc da không kịp thích nghi với retinol, gây ra các phản ứng phụ như kích ứng, khô da và thậm chí là nổi mụn.
Hơn nữa, việc thay đổi sản phẩm liên tục có thể khiến da bị “choáng ngợp” bởi các thành phần khác nhau, gây rối loạn hàng rào bảo vệ da và làm tình trạng da trở nên tồi tệ hơn.
Sử dụng retinol không thấy da thay đổi gì
Khái niệm “retinoid resistance” (kháng retinoid), hay “lờn retinoid (bao gồm retinol)” là một chủ đề được thảo luận trong lĩnh vực da liễu, đặc biệt là khi đề cập đến việc điều trị các vấn đề da liễu như mụn trứng cá và lão hóa da. Tuy nhiên, hiện tại không có nhiều bằng chứng khoa học đủ mạnh để xác nhận sự tồn tại của hiện tượng này.
Da có thể thay đổi theo thời gian do nhiều yếu tố như tuổi tác, hormone, môi trường và chế độ chăm sóc da. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cách da phản ứng với retinoid. Việc dùng nồng độ retinol quá cao ngay từ đầu, cũng có thể gây phản ứng dày sừng quá độ và làm retinol càng về sau càng khó thấm (nhất là khi bạn đang dùng dạng retinol tinh khiết).
Khi da đã đạt được sự cải thiện tối đa từ retinoid, người dùng có thể không thấy sự cải thiện tiếp tục, dẫn đến cảm giác rằng retinoid không còn hiệu quả. Đây không phải là kháng retinoid, mà là dấu hiệu da đã đạt ngưỡng đáp ứng.
3. Để retinol không còn “vô thưởng vô phạt”?
Để retinol, một hoạt chất đầy tiềm năng trong lĩnh vực chăm sóc da, thực sự phát huy hiệu quả và tránh những tác dụng không mong muốn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các yếu tố: tiến bộ trong công nghệ bào chế, sự hướng dẫn tận tâm của bác sĩ da liễu và sự tuân thủ nghiêm ngặt của người sử dụng.
Sự thay đổi về công nghệ bào chế
Những tiến bộ vượt bậc đã mang đến các dạng retinol ổn định hơn, dễ thẩm thấu và ít gây kích ứng hơn. Công nghệ đóng gói tiên tiến như polymeric micelle, liposome, nanocapsule hay microsponge giúp bảo vệ retinol khỏi sự phân hủy, tăng cường khả năng thẩm thấu và giảm thiểu kích ứng. Bên cạnh đó, việc kết hợp retinol với các thành phần làm dịu, dưỡng ẩm như hyaluronic acid, niacinamide, ceramide hay các chiết xuất thực vật cũng góp phần giảm thiểu tác dụng phụ và tối ưu hóa hiệu quả của retinol.
Vai trò của bác sĩ da liễu
Ngày nay, có rất nhiều người bán hàng không có kiến thức bán các sản phẩm Retinol có hiệu lực mạnh, nồng độ cao, vô hình chung làm cho da khách hàng ngày càng tệ hơn.
Vai trò của bác sĩ da liễu trong việc theo dõi và hướng dẫn sử dụng retinol là rất quan trọng, nhất là với những anh chị không nhiều hiểu biết về thành phần này, cần có sự giám sát.
Bác sĩ da liễu, với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng, sẽ đánh giá tình trạng da của từng cá nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị retinol phù hợp, bao gồm lựa chọn nồng độ, dạng bào chế và tần suất sử dụng. Bác sĩ cũng sẽ theo dõi sát sao quá trình điều trị, kịp thời phát hiện và xử lý các tác dụng phụ, đồng thời điều chỉnh liệu trình khi cần thiết.
Vai trò của khách hàng và bệnh nhân
Tuy nhiên, sự thành công của liệu trình retinol không chỉ phụ thuộc vào bác sĩ mà còn đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ phía người sử dụng. Việc tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng, liều lượng và tần suất là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, người sử dụng cần kiên trì sử dụng retinol trong một khoảng thời gian nhất định để đạt được hiệu quả tối ưu. Đồng thời, việc chăm sóc da đúng cách, bao gồm làm sạch da nhẹ nhàng, dưỡng ẩm đầy đủ và sử dụng các biện tránh tránh nắng và kem chống nắng phổ rộng hàng ngày, cũng góp phần quan trọng vào sự thành công của liệu trình.
Các bạn có thể liên hệ với Bác sĩ Ngọc Trai thông qua những nền tảng dưới đây:
Fanpage TS.BS Ngọc Trai – Da liễu Thẩm mỹ Pearl Clinic
Tiktok bacsingoctrai
Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Ngọc Trai và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.