Toàn bộ nội dung
Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Nên ngưng dùng BPO (Benzoyl Peroxide) nếu hở tí bị chai mụn, thâm dai dẳng. Bởi có lẽ bạn chưa hiểu nó rồi. #skincaretoigian #latrangskincaretoigian #benzoylperoxide #bpo #trimun #munchai #goclamdep #beautytok
Chúng ta đều biết Benzoyl Peroxide trị mụn hiệu quả như nào rồi đúng không? Nhưng nếu ai sử dụng Benzoyl Peroxide hở tí đã thấy chai mụn, hoặc nếu không chai mụn thì thâm dai dẳng; xong rồi sốt vó lên thì Trang nghĩ bạn đừng dùng nó nữa. Bởi vì bạn chưa đủ tìm hiểu để gắn bó lâu dài với thành phần này đâu.
Và đó cũng chính là lý do tại sao có rất nhiều bạn không thể skincare tối giản nổi. Các bạn không tìm hiểu kỹ, cứ nghe review xong rồi mua theo thôi. Trang nhấn mạnh là review không xấu. Nhưng các bạn nên nghe review với tâm thế tham khảo. Còn việc dùng hay không thì phải hiểu vấn đề da mình, hiểu bản chất của hoạt chất, của sản phẩm rồi hẵng quyết định.
Nếu không hiểu rõ thì các bạn cứ trị dai dẳng hết vấn đề này lại đến vấn đề khác. Thế thì bao giờ da của bạn mới tốt lên được?
Giả bộ căng thẳng với các Đồng Điệu thế thôi nhưng gặp như vậy nhiều thì cọc thật nhá :))) Thế nên trong bài viết này, ai giải được câu đố dưới đây của Trang thì khỏi cần đọc bài, khỏi nghe Trang “trửi yêu” chi cho mất công. Còn ai không giải được thì đọc đi để mà hiểu BPO rồi dùng nó cho ngon nghẻ nha :)))
I/ Benzoyl Peroxide là gì? Vì sao có tên gọi này?
Bạn nào biết thì bình luận xem đáp án của chúng ta có giống nhau hay không nhá. Còn với sự hiểu biết của Trang thì sở dĩ thành phần này có tên là Benzoyl Peroxide là bởi vì nó là sản phẩm được chắp nối từ 2 phân tử Benzoic Acid. Quá trình chi biết sẽ như thế này:
2 phân tử Benzoic Acid này không ở trạng thái bình thường mà chúng sẽ tách 2 nguyên tử Hidro ở 2 đầu và gắn kết lại với nhau thông qua cầu nối Peroxide.
Cầu nối này là một liên kết không bền. Tức là khi apply BPO lên da, cầu nối Peroxide sẽ nhanh chóng bị bẻ gãy và giải phóng ra 2 yếu tố Benzoic Acid và Peroxide.
Thế nên chữ “Benzoyl” nó có liên quan đến gốc Benzoic Acid. Còn chữ “Peroxide” thì đương nhiên liên quan đến cầu nối Peroxide rồi.
Nếu có khó hiểu quá thì các Đồng Điệu chịu khó vừa đọc vừa hình dung qua gif bên dưới nha. Ráng hiểu bản chất để còn biết cách dùng sao cho không chai mụn, thâm dai dẳng chứ nhỉ :)))
Như vậy, Benzoic Acid và Peroxide cùng nhau tạo nên khả năng điều trị mụn của Benzoyl Peroxide. Nhưng nếu nói chính xác nhất thì đa phần là cầu nối Peroxide vì nó có khả năng diệt khuẩn kinh khủng khiếp.
Còn Benzoic Acid, Trang nghĩ nó chỉ mang tác dụng hỗ trợ thôi. Cũng có những tài liệu nói Benzoic Acid giúp thanh tẩy tế bào chết (đại loại giống như BHA và AHA) nên sẽ giúp cho lỗ chân lông của mình được thông thoáng khi sử dụng BPO.
Nhưng Trang thấy quan điểm này không thuyết phục lắm. Với Trang, Benzoic Acid thiên về khả năng kiềm khuẩn (hỗ trợ Peroxide). Thật ra thành phần này các bạn cũng gặp nhiều trong mỹ phẩm với chức năng là bảo quản đấy. Thế nên trong trường hợp này, Trang nghĩ thằng Benzoic Acid cũng hiền lành, chả làm nên tội mấy đâu, mà cũng không lập chiến công hiển hách gì.
Chiến công hay tội đồ là nằm chủ yếu ở thằng Peroxide :)) Thế nên trong phần phân tích các tác dụng phụ kế tiếp, đa phần Trang sẽ nói về thằng Peroxide.
II/ Benzoyl Peroxide trị mụn bằng cách nào? Các tác dụng phụ của Benzoyl Peroxide
1. Benzoyl Peroxide trị mụn bằng cách nào?
Do chính bản thân Peroxide là 1 liên kết mong manh của 2 nguyên tử oxy (O). Mà cái gì càng mong manh thì càng dễ bị tổn thương và người tổn thương lại đi làm tổn thương người khác :))
Điều này rất đúng với oxy :)) Vì bản thân oxy có hóa trị 2. Bạn cứ hiểu đơn giản là xung quanh nó phải có 2 nguyên tử khác sẵn sàng cho nó mượn 2 electron để đảm bảo được cấu trúc bền vững.
Trang lấy ví dụ như liên kết nước (H2O). Như bạn thấy ở ảnh bên dưới, hai bên oxy (O) có 2 em hydro (H) sẵn sàng cho oxy mượn tạm 2 electron. Nên đã kìm hãm bớt sự “khát” electron của oxy và làm cho nó không trở nên hung hăng, đi cướp electron của những thằng khác.
Rồi, quay lại với Peroxide, 2 thằng oxy nắm tay nhau nhưng không thằng nào chịu nhường electron cho thằng nào. Vì như bạn biết đó, đứa nào cũng đói :)) Thế nên, tụi nó sẽ tìm cách để chiếm đoạt electron của những chất xung quanh.
Do đó, Peroxide có khả năng gây ra phản ứng oxy hóa cực kỳ cao. Nó sẽ tạo ra rất nhiều gốc tự do, dẫn đến phá hủy, làm tổn thương tế bào và lão hóa da.
Cũng nhờ đặc tính này của Peroxide nên khi bôi BPO, vi khuẩn gây mụn sẽ bị oxy hóa hàng loạt (vì bị cướp electron). Từ đó giúp trị mụn nhanh chóng, hiệu quả và đặc biệt nhất là không gây tình trạng kháng thuốc như lúc chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh.
Xem thêm: Kem chống oxy hóa và kem chống nắng là một?
Bởi vậy, có thể nói khả năng trị mụn của BPO rất tuyệt vời, không có gì phải tranh cãi. Đặc biệt, chúng rất phù hợp với tình trạng mụn mủ, mụn viêm.
Bởi như Trang đã nói, BPO diệt khuẩn tốt. Trong khi đó, vi khuẩn lại là tác nhân hàng đầu khiến cho những tế bào miễn dịch của da nhảy tưng tưng lên, tới đánh nhau với vi khuẩn, rồi tạo ra tình trạng viêm mủ trên da.
Nhưng! Vừa mới khen được một chút đã nhưng. Sau nhưng hay có điềm thối hoắc lắm :))
2. Các tác dụng phụ của Benzoyl Peroxide
2.1. Làm chai mụn, gây rối loạn hệ vi sinh
Bạn nên biết một điều rằng Benzoyl Peroxide là kẻ phá hủy không chọn lọc. Tức là ngoài việc loại bỏ những vi khuẩn bất lợi cho da, BPO cũng cướp electron làm oxy hóa và tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy việc sử dụng Benzoyl Peroxide lâu ngày trên một vùng da sẽ gây xáo trộn toàn bộ hệ vi sinh.
Điều này không những ảnh hưởng đến vi khuẩn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những tế bào sừng trên da. Ở những vùng da bị mụn, chắc chắn có rất nhiều tế bào bị tổn thương. Nên khi bôi BPO, nó sẽ phản ứng trước với những tế bào này (vì chúng không có nhiều khả năng kháng cự), từ đó làm nghiêm trọng thêm tình trạng suy yếu của tế bào.
Còn với những tế bào khỏe mạnh, cứ cho là có thể cầm cự được lâu hơn. Nhưng mưa dầm thấm lâu mà :)) Việc bôi BPO dài ngày sẽ khiến cho tế bào mạnh thành yếu, từ yếu đến bị tiêu diệt.
Và cũng chính bởi những diễn biến trên đã làm cho da của chúng ta xảy ra hiện tượng tăng sừng quá độ. Tức là BPO khiến da bị kích thích quá đà.
Hiểu một cách đơn giản là da bị kích thích mạnh. Mà khi bị kích thích, da sẽ đẻ ra nhiều tế bào sừng hơn để thay thế cho các tế bào đã bị tiêu diệt, đồng thời bảo vệ vùng da bị tổn thương.
Quá trình này sẽ làm cho bề mặt da của chúng ta ngày càng trở nên dày cộm. Trong khi đó, cái nhân mụn thì chưa được loại bỏ. Thế là có mụn chai thôi :))
2.2. Kích thích hệ miễn dịch da quá đà
Tác dụng phụ này không phổ biến đâu. Nó chỉ xảy ra khi bạn sử dụng BPO sai cách và khiến cho vùng da đó trở nên tổn thương ngày càng nhiều. Lúc này, hệ miễn dịch phản ứng cực kỳ mạnh mẽ bằng cách cử rất nhiều tế bào miễn dịch đến vùng da bị tổn thương, đánh nhau lộn xạ. Thế là một bãi chiến trường banh chành không thể nào mà cứu chữa được.
Cứ thế, các tế bào miễn dịch cứ gào lên bằng cách tạo ra nhiều phản ứng viêm hơn nữa. Và đó là lý do tại sao mà nhiều bạn sử dụng BPO, càng dùng cái mặt càng tầy quầy. Nên nếu bạn nói dùng BPO bị mụn nặng hơn là do kháng thuốc thì Trang nghĩ nó không đúng đâu, mà đúng là do hệ miễn dịch bị kích thích quá đà đó.
2.3. Thâm mụn dai dẳng
Ai ở đây sử dụng BPO gặp tình trạng da như cơm cháy, các vết thâm mụn đậm màu đen thui thùi lùi và rất lâu lành chưa :)) Nãy giờ nghe Trang phân tích thì có lẽ bạn cũng thấy rồi đấy. Thậm chí, các tình trạng trên là điều hiển nhiên nếu như các bạn lạm dụng BPO.
Ví dụ da bạn dính kem trộn, thuốc rượu hoặc treatment nặng đô nhưng bạn phục hồi chưa có đủ, bạn lại tấp thêm BPO vào. Hoặc là bạn sử dụng BPO với tần suất quá dày đặc trong khi quy trình của bạn thì thiếu bước này, thừa bước kia. Nên thâm mụn dai dẳng là điều không thể tránh rồi.
Về cơ chế bị thâm thì Trang đã có nói trong bài viết DA NGƯỜI VIỆT KHÔNG ĐƯỢC PEEL NÁM, bạn có thể xem thêm nhé. Ở đây, Trang chỉ muốn nhấn mạnh là thâm mụn dai dẳng, thậm chí là 6 tháng không hết, rất có thể, các bạn đã bị thâm mụn trung bì.
Bật mí một chút về thâm mụn trung bì
Khi da bị tổn thương, màng đáy có thể bị rách. Dành cho ai chưa biết thì màng đáy là nơi ngăn cách giữa thượng bì và trung bì. Khi màng đáy bị rách, hắc tố melanin thay vì được đưa lên trên bề mặt da để bảo vệ vùng da bị tổn thương thì nó lại bị rơi xuống và lắng đọng ở trung bì.
III/ Kết luận
Còn nhiều cái hay ho về thâm trung bì lắm, nhưng mà thôi để bài viết khác Trang chia sẻ thêm. Bây giờ tụi mình cũng phải tóm lại như thế này:
Chê thì chê vậy đó nhưng mà vẫn sử dụng BPO cơ mà. Chai mụn, thâm mụn là do mình dùng nó không đúng cách chứ đâu phải tại nó không. Thành ra phải biết cách dùng em nó thì mới thấy được tác dụng trị mụn ngon nghẻ như nào.
Để chiều các Đồng Điệu, Trang sẽ ra một bài viết nói cụ thể về cách sử dụng BPO sao cho hiệu quả, không bị chai mụn, thâm dai dẳng. Mọi người nhớ đón xem nhá.
Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!
Xem thêm: Nồng độ càng cao, hoạt chất càng mạng? Bạn có đang bỏ qua yếu tố độ pH trong mỹ phẩm?